Trả lời:

Giãn tĩnh mạch chân thường xuất hiện khi mang thai. Khi có thai, cơ thể sẽ tăng nội tiết tố nữ, làm giãn to các tĩnh mạch để tăng cường cung cấp máu nuôi bào thai, nhưng cũng đồng thời làm giãn các tĩnh mạch chi dưới. Đa phần, sau khi sinh xong các tĩnh mạch giãn sẽ nhỏ lại đến mức không còn nhìn thấy dưới da. Tuy nhiên, ở một số người, các tĩnh mạch không nhỏ lại như trước đó.

Các gân máu đỏ li ti, tập trung thành từng nhóm, được gọi là tĩnh mạch mạng nhện. Các tĩnh mạch này có đường kính nhỏ hơn một mm, nằm nông sát da nên có thể nhìn rõ bằng mắt thường.

Điều rất quan trọng là hầu hết các đám tĩnh mạch mạng nhện này được nuôi dưỡng bởi một hay một số tĩnh mạch có kích cỡ to hơn (1-3 mm), nằm sâu ở lớp dưới da. Các tĩnh mạch này có thể có hoặc không có triệu chứng đau và khó chịu ở chân, nhưng đa số sẽ gây mất tự tin về vẻ đẹp của đôi chân, đặc biệt là các bạn nữ trẻ làm việc nơi công sở.

ti-nh-ma-ch-ma-ng-nhe-n-169370-3995-3107-1693706386.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2UCodAZ37j-TqFP79LHzdw

Tĩnh mạch mạng nhện. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Các loại laser áp ngoài da có thể được sử dụng để điều trị tĩnh mạch mạng nhện. Phương pháp laser sẽ ưu tiên lựa chọn trong một số trường hợp cụ thể như: đường kính tĩnh mạch mạng nhện quá nhỏ không thể đâm kim để tiêm xơ, người sợ kim tiêm, tình trạng tân tạo mạch máu sau khi tiêm xơ...

Tuy nhiên, laser chỉ có thể chữa được phần ngọn của bệnh, chứ không chữa được phần gốc. Bởi, sóng laser chỉ có xuyên qua da từ 0,75 đến 1,2 mm, nên tác dụng rất nông trên bề mặt của da, không hiệu quả với các tĩnh mạch nuôi, nằm sâu hơn bên dưới da. Hậu quả là các tĩnh mạch mạng nhện sẽ tái phát trở lại sớm, xuất phát từ các nhánh tĩnh mạch nuôi chưa được chữa trị.

Hơn thế, mặt trái việc dùng laser để chữa tĩnh mạch mạng nhện có thể khiến da bị teo hoặc thay đổi sắc tố (nhạt màu hay thâm da). Nhiệt phát sinh từ tia laser có thể gây đau, loét da, chảy máu hoặc để lại sẹo. Ngoài ra, liệu trình điều trị bằng laser tốn nhiều thời gian và chi phí cao hơn các phương pháp khác.

Trường hợp của bạn, nếu đủ lòng tin về trình độ và tay nghề của cơ sở thẩm mỹ, có thể lựa chọn điều trị tĩnh mạch mạng nhện bằng laser. Sau đó, để tránh tái phát, bạn nên đến với một bác sĩ chuyên khoa mạch máu để triệt bỏ tĩnh mạch nuôi bên dưới. Nếu không, bạn có thể khám và điều trị ngay từ đầu với một bác sĩ chuyên khoa mạch máu. Việc xác định chính xác nguồn gốc bên dưới của các đám tĩnh mạch mạng nhện là yếu tố quyết định thành công của việc điều trị và phương pháp chữa trị phù hợp nhất có thể là liệu pháp xơ hóa, vi xơ hóa tĩnh mạch hoặc kết hợp laser với liệu pháp xơ hóa tĩnh mạch.

Bác sĩ Lê Thanh PhongKhoa Phẫu thuật Mạch máu, Bệnh viện Chợ Rẫy

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022