Bệnh đột quỵ ở Việt Nam ngày càng trẻ hóa
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) cho biết, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tại Việt Nam gia tăng đáng báo động.
PGS Nguyễn Huy Thắng cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và một số nghiên cứu khác, độ tuổi trung bình mắc đột quỵ trong dân số toàn cầu thường dao động từ 70 đến 75 tuổi. Tuy nhiên, tại Việt Nam, con số này đang có dấu hiệu tụt dốc nhanh chóng.
Theo nghiên cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115 (năm 2019) trên 6.601 bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ cho thấy tuổi trung bình mắc đột quỵ ở Việt Nam là 62. Điều này cho thấy bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam trẻ hơn khoảng 10 tuổi so với các nước phát triển.

Bệnh nhân đột quỵ cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115
PGS Nguyễn Huy Thắng cho biết thêm trong một buổi họp giao ban gần đây, danh sách 49 bệnh nhân đột quỵ nhập viện có gần một nửa trong số đó dưới 56 tuổi, đặc biệt có một nữ bệnh nhân mới chỉ 21 tuổi.
Bệnh nhân là H.T.K.V. ( nữ, 21 tuổi) nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Bác sĩ chẩn đoán cô xuất huyết não từ thuyên tắc hệ thống tĩnh mạch não. Sau hơn một ngày cấp cứu tích cực, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định hơn.
Trường hợp khác là người đàn ông 40 tuổi cũng cấp cứu trong tình trạng xuất huyết não. Nguyên nhân do tăng huyết áp không kiểm soát.
PGS Nguyễn Huy Thắng nhận định đây là hệ quả từ hàng loạt yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.
7 nguyên nhân chính khiến đột quỵ ngày càng trẻ hóa
Tăng huyết áp và các bệnh lý nền
Người trẻ ngày càng phải đối mặt với các bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường và rối loạn lipid máu ở độ tuổi sớm hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do lối sống ít vận động, chế độ ăn không lành mạnh (nhiều đồ ăn nhanh, ít rau củ) và béo phì... là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.

Ảnh minh họa
Lối sống đô thị hóa
Quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở các nước đang phát triển đã thay đổi thói quen sống của người trẻ. Họ ít hoạt động thể chất hơn, tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối và đường, đồng thời chịu áp lực từ căng thẳng tâm lý do công việc và cuộc sống thành thị. Tất cả đều là yếu tố nguy cơ lớn gây đột quỵ.
Ô nhiễm không khí
Ở nhiều thành phố lớn tại các nước đang phát triển, ô nhiễm không khí đạt mức báo động. Các nghiên cứu gần đây gợi ý mối liên quan giữa ô nhiễm môi trường và việc tăng nguy cơ đột quỵ.
Thiếu tiếp cận dịch vụ y tế
Hệ thống y tế ở các nước đang phát triển thường còn hạn chế, với ít chương trình tầm soát các bệnh lý nền như tăng huyết áp hay tiểu đường. Việc không phát hiện và điều trị kịp thời các yếu tố nguy cơ khiến người trẻ dễ bị đột quỵ mà không có sự chuẩn bị trước.
Hút thuốc và sử dụng chất kích thích
Tỷ lệ hút thuốc lá, uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích khác đang tăng lên ở người trẻ tại các nước đang phát triển. Những thói quen này làm tổn thương mạch máu và tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt khi kết hợp với các yếu tố khác.
Yếu tố di truyền và chủng tộc
Một số nhóm dân tộc ở các nước đang phát triển có nguy cơ cao hơn về các bệnh lý mạch máu do yếu tố di truyền. Khi kết hợp với các yếu tố môi trường và lối sống không lành mạnh, nguy cơ đột quỵ ở người trẻ càng tăng lên.
Thiếu nhận thức về đột quỵ
Nhiều người trẻ không nhận thức đầy đủ về các yếu tố nguy cơ và triệu chứng của đột quỵ. Tâm lý chủ quan (cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi) có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp, làm tăng tỷ lệ tử vong hoặc biến chứng nghiêm trọng.
Cảnh giác với những cơn đột quỵ thoáng qua
Theo BS Thắng, một số bệnh nhân cho biết, đang bình thường bỗng thấy liệt yếu nửa người, méo miệng, nói đớ... Các triệu chứng giống như đột quỵ nhưng chỉ trong thời gian ngắn từ 1 giờ đến 2 giờ đã trở lại bình thường. BS Thắng cho biết, y khoa gọi trường hợp này là cơn đột quỵ thoáng qua.
Đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân sẽ có dấu hiện đột quỵ trong tương lại gần, có thể trong 1 đến 2 ngày sau đó. Nếu bệnh nhân nhận thức được nguy cơ và đến bác sĩ kịp thời, bác sĩ cho bệnh nhân phòng ngừa ngay lập tức thì có thể phòng ngừa cơn đột quỵ thật sự. Tuy nhiên hầu hết bệnh nhân đều bỏ qua các dấu hiệu này nghĩa là bỏ qua cơ hội phòng ngừa đột quỵ thật sự.
Quy tắc nhận biết sớm đột quỵ
BE FAST: Là cụm từ viết tắc được hội tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cũng như nhiều tổ chức khác sử dụng, giúp thân nhân và bệnh nhân dễ dàng ghi nhớ về các dấu hiệu đột quỵ nhằm nhận biết sớm và cấp cứu kịp thời bệnh nhân đột quỵ.

Quy tắc nhận biết sớm đột quỵ BE FAST
BEFAST là cụm từ gồm 6 chữ cái, mỗi chữ mô tả các dấu hiệu đột quỵ:
- B (BALANCE=THĂNG BẰNG): Diễn tả triệu chứng khi bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.
- E (EYESIGHT=THỊ LỰC): Thể hiện bệnh nhân bị mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt.
- F (FACE= MẶT): Sự biến đổi khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung lệch, thể hiện rõ khi bệnh nhân cười hay mở miệng lớn.
- A (ARM=TAY): Bệnh nhân khó hoặc không thể cử động tay chân, tê hoặc yếu liệt 1 bên cơ thể.
- S (SPEECH=GIỌNG NÓI): Bệnh nhân khó nói, nói đớ, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.
- T (TIME=THỜI GIAN): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.