Ngày 17/11, theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, người hiến nhập viện vì xuất huyết não nặng. Biết bệnh nhân không thể hồi phục, gia đình đã thực hiện ước nguyện của anh là chia sẻ những phần cơ thể còn có chức năng để cứu người.
Khi kiểm tra, đánh giá tình trạng chức năng của các bộ phận cơ thể, bác sĩ ghi nhận người hiến có bệnh nền tăng huyết áp, biến chứng ảnh hưởng lên cơ tim. Gan bệnh nhân bị nhiễm mỡ nặng trên cơ địa béo phì, bên cạnh bệnh thận độ hai.
Trước tình huống khó khăn, Bệnh viện Chợ Rẫy triệu tập hội đồng chuyên môn sâu về tim, gan, thận để quyết định xem có thể hỗ trợ được gì cho bệnh nhân, nhằm cứu giúp những người bệnh suy tạng. Tiêu chuẩn tuyển chọn người bệnh chờ ghép phải linh động chuyển hướng đặc biệt.
Thay vì chọn người ở mọi lứa tuổi theo thứ tự trong danh sách chờ ghép, các bác sĩ ưu tiên người từ 50 tuổi trở lên, có bệnh nặng, đang phải nhập viện cấp cứu và tiên đoán nếu không được ghép sẽ tử vong trong thời gian ngắn. Tất cả nguy cơ về bệnh nền của người hiến đều được các bác sĩ giải thích cho người bệnh chờ ghép mô, tạng và gia đình.
Y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nói lời tiễn biệt và tiếp nhận mô tạng của người hiến chết não, chiều 12/10. Video: Bệnh viện cung cấp
Hôm 12/10, quả tim, hai quả thận, hai giác mạc của người hiến được ghép cho 5 trường hợp. Còn phần da được ghép cho nam thanh niên 27 tuổi, ngụ Đồng Tháp, bị bỏng nặng phần lớn diện tích cơ thể.
Sau ca ghép, các bệnh nhân đều hồi phục tốt. Chàng trai ghép da xuất viện vào tuần thứ hai. Hai bệnh nhân ghép thận và hai người ghép giác mạc đều ra viện trong vòng một tuần.
Bệnh nhân ghép tim do tình trạng nặng hơn, vừa xuất viện chiều 16/11, sau hơn 4 tuần nằm viện với chức năng cơ tim đã hồi phục hoàn toàn một cách ngoạn mục.
"Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ được ghép tim, đến giờ phút cuối lại có người hiến tặng trái tim, giúp tôi tái sinh lần hai, không biết nói gì để thể hiện hết được ơn nghĩa này", người bệnh nói.
Y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đến viếng đám tang, chia sẻ với gia đình người đàn ông hiến tạng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Việt Nam bắt đầu triển khai ghép tạng từ người hiến chết não năm 2010. Theo Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, mỗi năm cả nước vận động được khoảng 10 người chết não hiến tặng mô tạng. Năm 2019 nhiều nhất, có 20 người chết não hiến tạng. Từ nguồn hiến này, hơn 400 người được ghép phổi, gan, thận, tim, giác mạc... trong hơn chục năm qua.
Nguồn tạng hiến từ người cho chết não là món quà quý giá, bước ngoặt giúp nhiều người hồi phục trở về cuộc sống bình thường, trong bối cảnh rất nhiều bệnh nhân chờ ghép nhưng khan hiếm nguồn tạng.
Ở nước ngoài, nguồn tạng hiến chủ yếu từ người cho chết não, trong khi ở Việt Nam, đa số trường hợp do người sống hiến một phần gan và một quả thận.
Lê Phương