Các chuyên gia cho rằng thường xuyên cười vô cớ, không có lý do rõ ràng có thể là dấu hiệu của một dạng động kinh - được gọi là động kinh thể cười (gelastic epilepsy). Bệnh thường được điều trị bằng thuốc chống động kinh. Và chẩn đoán sớm có thể giúp điều trị tình trạng bệnh hiệu quả hơn.
TS Sudhir Kumar, chuyên gia tư vấn cao cấp về thần kinh, Bệnh viện Apollo (Ấn Độ), đã giải thích về căn bệnh này, trích dẫn trường hợp của một bé 6 tuổi cười khúc khích không kiểm soát mà không có bất kỳ lý do gì trong suốt 1 phút.
(Ảnh minh họa)
"Cha mẹ của bé đã hỏi ý kiến tôi tại sao con họ bắt đầu cười vô cớ không có lý do trong 3 tháng qua. Bé thường cười khúc khích trong khoảng 30-60 giây - dường như rất vui", TS Sudhir Kumar cho biết.
Theo tìm hiểu, bé đã tăng 2kg và thành tích học tập giảm sút. TS Kumar nghi ngờ bé mắc chứng động kinh thể cười - là tình trạng trẻ em có thể biểu hiện với những cơn cười lặp đi lặp lại. Bác sĩ đã làm điện não đồ cho bé nhưng vẫn bình thường. Tuy nhiên, khi chụp MRI não cho thấy một khối u lành tính ở vùng dưới đồi. Bé bắt đầu được dùng thuốc chống động kinh và được chuyển đến phẫu thuật và phục hồi khá tốt.
Như vậy, nếu một đứa trẻ bắt đầu cười liên tục trong khoảng thời gian ngắn và cười không có lý do, đó có thể là dấu hiệu ban đầu của chứng động kinh thể cười do khối u vùng dưới đồi. Việc chẩn đoán kịp thời bằng chụp MRI và phẫu thuật có thể mang lại kết quả tốt.
Do bản chất của bệnh, động kinh thể cười thường được chẩn đoán muộn hoặc chẩn đoán nhầm là các bệnh về tâm thần do bệnh nhân bị động kinh thể cười cũng có thể bị các dạng động kinh khác. Các triệu chứng phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Trong trường hợp thứ phát do khối u não lành tính ở vùng dưới đồi, bệnh nhân có thể bị rối loạn nội tiết tố và các vấn đề về trí nhớ kèm theo co giật./.