Trẻ bị biến chứng thủy đậu do lây từ mẹ

Hiện tại, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, bệnh viện Nhi TƯ đang điều trị bé Đ.H. (27 ngày tuổi, Bắc Giang) bị nhiễm thủy đậu có kèm ho và thở mệt. Mẹ bé H. cho biết, khi vừa sinh bé H. được 5 ngày, chị bị lây nhiễm thủy đậu từ con gái lớn 7 tuổi, sau đó chị tiếp tục lây sang bé H. khi bé được 14 ngày tuổi.

Trước khi được chuyển về bệnh viện Nhi TƯ, bé đã điều trị ở tuyến tỉnh 4 ngày nhưng tình trạng suy hô hấp tăng, viêm phổi.

Sau 7 ngày điều trị tại bệnh viện Nhi TƯ, bé H. dần hồi phục, các nốt ban phỏng nước đã khô và đóng vảy, viêm phổi được kiểm soát.

img-bgt-2021-bac-si-kham-cho-tre-mac-thuy-dau-1680758451-width1280height720-1680780788690-16807807892521290752215.jpg

Các bệnh thủy đậu, tay chân miệng vào mùa khiến nhiều bệnh nhân nhi nhập viện

Ths.BS. Nguyễn Phương Thảo, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, bệnh viện Nhi TƯ cho biết: “Hiện, thủy đậu đang bước vào mùa cao điểm. Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh khi mắc thủy đậu rất dễ gặp những biến chứng khó lường, vì vậy, việc cha mẹ nhận biết được biểu hiện bệnh sớm, theo dõi dấu hiệu trở nặng để đưa con đến cơ sở y tế điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết”.

Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính. Nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: Viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Viêm phổi do thủy đậu ít khi xảy ra hơn, nhưng rất nặng và rất khó điều trị.

Trong trường hợp trẻ không may lây nhiễm thủy đậu, theo khuyến cáo của BS. Thảo, cha mẹ cần lưu ý nếu trẻ có triệu chứng sốt, phát ban phỏng nước, gia đình nên cách ly con không tiếp xúc với mọi người xung quanh để tránh lây nhiễm. Đồng thời, giữ phòng thông thoáng, sạch sẽ, có ánh nắng mặt trời.

Nếu con sốt trên 38,5 độ, cho trẻ uống thuốc hạ sốt thành phần paracetamol 10-15mg/kg cách 4-6 giờ/lần, kết hợp chườm ấm. Lưu ý khi chườm ấm cho trẻ thủy đậu, cần dùng nước ấm tan giá (không quá ấm nóng) để tránh gây vỡ, bỏng rát các nốt phỏng nước trên cơ thể.

Nếu con có các biểu hiện ho nhiều, khó thở, mệt mỏi, li bì cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.

BS. Thảo đặc biệt lưu ý, hiện nay, vẫn có nhiều người quan niệm mắc bệnh thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió nên không tắm cho con. Tuy nhiên, đây là quan niệm chưa đúng, khi trẻ mắc thủy đậu cha mẹ nên vệ sinh cơ thể, chăm sóc da đúng cách để tránh nhiễm khuẩn khiến tình trạng của trẻ càng nặng hơn. Theo đó, vệ sinh mắt mũi, răng miệng nhẹ nhàng cho con hàng ngày từ 2-3 lần bằng nước muối 0,9% vì thủy đậu có thể mọc trong miệng, nếu không vệ sinh có thể gây bội nhiễm.

Tắm cho con bằng nước ấm đun sôi để nguội (hạn chế dùng xà phòng tránh gây viêm nhiễm khi xà phòng đọng lại ở các nốt bong tróc). Sau khi tắm xong dùng khăn xô hoặc khăn loại chất coton dễ thấm, thấm nhẹ nhàng toàn thân, mặc quần áo thoáng mát và có thể bôi xanh methylen để sát khuẩn.

Thường xuyên cắt móng tay cho con để trẻ không gãi mạnh làm vỡ các nốt thủy đậu, gây nhiễm trùng.

Tăng trẻ mắc tay chân miệng

Các bác sĩ tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, bệnh viện Nhi TƯ thông tin, từ đầu năm đến nay có hơn 100 trường hợp trẻ nhập viện do tay chân miệng, chỉ tính riêng 1 tuần cuối tháng 3 cũng có 37 trường hợp nhập viện, trong đó có một số trường hợp bệnh có diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm.

Theo BS. Nguyễn Văn Lâm, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, bệnh viện Nhi TƯ, bệnh tay chân miệng hiện đang vào mùa cao điểm, bệnh được coi lành tính, tuy nhiên nếu chăm sóc không đúng cách, trẻ dể gặp biến chứng nguy hiểm về thần kinh như viêm não, viêm màng não; hoặc các biến chứng tim mạch, hô hấp như viêm cơ tim, phù phổi cấp, suy tim, trụy mạch.

Do vậy, khi chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở nhà, cha mẹ cần lưu ý đưa con nhập viện khi xuất hiện sốt cao liên tục 48 giờ không đáp ứng thuốc hạ sốt; trẻ giật mình và quấy khóc dai dẳng. Tốt nhất, khi có những dấu hiệu ban đầu của bệnh, cha mẹ cần đưa con đi khám để xác định mức độ bệnh và được tư vấn cách chăm sóc điều trị tại nhà hiệu quả, tránh biến chứng đáng tiếc.

Riêng tại Hà Nội, tính từ đầu năm 2023 đến nay, ghi nhận 185 ca mắc tay chân miệng; so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tăng 183 ca. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nhận định, phần lớn ca bệnh tay chân miêng mới ghi nhận là các ca tản phát, rải rác tại các quận, huyện. Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc tay chân miệng vẫn có thể tiếp tục gia tăng.

Bệnh tay chân miệng có nhiều nguy cơ lây lan nếu các trường học và đặc biệt các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ, gia đình không thực hiện tốt các biện pháp cá nhân, vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh.

Cũng theo cảnh báo từ các bác sĩ Nhi khoa, hiện đang là cao điểm của các bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, tay chân miệng. Không chỉ tại bệnh viện Nhi TƯ, số trẻ mắc còn ghi nhận tại nhiều bệnh viện khác trên địa bàn Hà Nội như BV Thanh Nhàn, BV ĐK Hà Đông, BV Saint Paul. Tại nhiều bệnh viện hiện đang quá tải vì số bệnh nhân mắc tăng cao.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022