"Bác sĩ nội trú đa số giỏi, bệnh viện thường kêu gọi họ ở lại làm việc, nhưng Việt Nam hiện chỉ đào tạo một số ít", PGS Lâm Việt Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết tại Hội nghị giáo dục Y khoa toàn quốc 2024, do Hội giáo dục Y học Việt Nam và Trường Đại học VinUni tổ chức, ngày 16/11.

Bác sĩ nội trú là chương trình đào tạo đặc thù của ngành y. Đây được coi là đào tạo tinh hoa, dành cho những sinh viên xuất sắc theo học ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Mô hình này xuất phát từ Pháp, sau đó lan sang các nước châu Âu, Mỹ và khắp thế giới.

Tại Việt Nam, hàng nghìn bác sĩ nội trú đã được đào tạo, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ khám chữa bệnh tốt cho người dân. Như ở Đại học Y Hà Nội tuyển sinh khóa bác sĩ nội trú đầu tiên vào năm 1974. Đến nay, trường đã và đang đào tạo gần 5.200 bác sĩ.

Kỳ thi nội trú thường bắt đầu vào tháng 8 của năm cuối đại học y khoa. Hoàn tất chương trình học nội trú kéo dài 3 năm, bác sĩ được cấp 3 bằng: bằng bác sĩ chuyên khoa 1, bằng thạc sĩ y khoa và bằng bác sĩ nội trú. Song, trong khi nhiều nước trên thế giới như Mỹ, việc đào tạo bác sĩ nội trú là bắt buộc, thì ở Việt Nam đào tạo rất ít. Vì vậy, để tăng thêm nguồn nhân lực chất lượng cao, tương lai Việt Nam nên đào tạo nhiều bác sĩ nội trú hơn, theo PGS Trung.

Hiện nay, tỷ lệ bác sĩ trên một vạn dân của Việt Nam là 12,5 trên 10.000 dân, còn năm 2020 là 9,81, theo báo cáo của Bộ Y tế. Với con số này, Việt Nam ngang với Ấn Độ, cao hơn Indonesia, kém một số nước như Australia là 36, Pháp 34, Trung Quốc 22. Theo ước tính của Bộ Y tế, năng lực đào tạo bác sĩ trên cả nước vào khoảng 13.000 bác sĩ tốt nghiệp/năm.

"Tỷ lệ này không thấp, nên đào tạo tăng chất lượng chứ không phải số lượng" GS Lê Quang Cường, Chủ tịch Hội giáo dục Y học Việt Nam nói, đồng tình với quan điểm nên đào tạo bác sĩ phổ cập, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục y học ở mọi cấp độ.

Hiện, cả nước có 13 cơ sở giáo dục đại học đào tạo bác sĩ nội trú. Trung bình một năm có 900 người tốt nghiệp bác sĩ nội trú, trên 40% số này từ Đại học Y Hà Nội. Số bác sĩ nội trú tăng lên, khi trở về công tác ở tuyến tỉnh sẽ góp phần thay đổi chất lượng khám chữa bệnh theo hướng tích cực, người dân được hưởng lợi, giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trung ương.

img-2082-jpg-1731760708-173176-4663-8907-1731761090.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3jdt-E_qcvumnyMfqwBqKA

GS Lê Quang Cường, Chủ tịch Hội giáo dục Y học Việt Nam, chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Thanh Vân

Theo GS Cường, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, mô hình bệnh tật thay đổi, cùng với sự phát triển nhanh chóng về khoa học công nghệ, nhu cầu về một đội ngũ y tế giỏi chuyên môn và vững kỹ năng, thích ứng với tình hình mới là vô cùng quan trọng. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành y, không có cách nào khác ngoài việc hợp tác giữa trường học và cơ sở thực hành.

Việc phối hợp tốt giữa các cơ sở đào tạo y khoa và bệnh viện, sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: nâng cao kỹ năng thực hành cho sinh viên, tận dụng và phát huy được kinh nghiệm của các bác sĩ bệnh viện khi tham gia giảng dạy, đẩy mạnh các nghiên cứu và sáng kiến chung, thu ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành.

Còn TS Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), cho rằng các bệnh viện tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo ngoài giúp học viên, sinh viên có cơ hội học tập chất lượng cao mà là cơ hội để phát hiện những cá nhân có tiềm năng. Từ đó hướng các học viên vào các chuyên ngành phù hợp với khả năng và đam mê của mình. Đây là nền tảng để đảm bảo hệ thống y tế của đất nước, có đội ngũ nhân lực phù hợp, có thể thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

Tại hội nghị, ngoài chủ đề "phối hợp bệnh viện-trường học", các chuyên gia cũng chia sẻ các vấn đề kiểm định các chương trình giáo dục y học, kỹ thuật xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực chuẩn xác, chuyển đổi số trong tích hợp thực hành - đào tạo - nghiên cứu, ứng dụng AI trong giáo dục y khoa.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022