David West đã trải qua một đêm mất ngủ sau cuộc gọi của anh trai William Ballantyne West với giọng lo lắng. Anh trai anh, Will, được biết đến với biệt danh "Iron Will" (Người sắt Will) vì sự kiên cường trước mọi thử thách. Bác sĩ 33 tuổi từng leo núi, tham gia truyền giáo ở Italy và thi chạy tiếp sức xuyên đêm. Nhưng trong cuộc gọi đầu năm 2024, Will chia sẻ về những vấn đề quá sức chịu đựng: anh không được đào tạo đầy đủ để hành nghề y, không có đủ thời gian nghỉ ngơi sau những ca trực dài và cảm thấy hạnh phúc luôn xa tầm với.

Will là bác sĩ năm ba, chuyên môn phẫu thuật nhãn khoa tại Đại học Y khoa và Khoa học Sức khỏe George Washington. David kém anh 6 tuổi và theo đuổi con đường tương tự, đang học năm nhất y khoa ở Utah.

David từng nghĩ đến việc nhờ người khác kiểm tra tình hình anh trai, nhưng trong hai cuộc gọi tiếp theo, Will đã trấn an cậu. Anh cười và có vẻ thoải mái hơn. Sau cuộc gọi cuối tháng 2, David cúp máy với cảm giác nhẹ nhõm.

Vài ngày sau, Will tự tử, ở tuổi 33.

Không ai biết chắc chắn nguyên nhân anh đi đến lựa chọn đau lòng. Nhưng qua phỏng vấn gia đình, bác sĩ nội trú tại George Washington và các chuyên gia, điều tra viên nhận thấy một vấn đề. Dù khỏe tâm thần ngày càng được chú trọng, vẫn còn những rào cản lớn khiến bác sĩ nội trú khó tìm kiếm sự giúp đỡ trong giai đoạn cần thiết nhất.

Các chuyên gia cho rằng có nhiều yếu tố khiến các bác sĩ nội trú dễ bị tổn thương ở giai đoạn căng thẳng và áp lực cao. Họ thường trực 80 giờ mỗi tuần với mức lương khiêm tốn, phải che giấu khó khăn của mình vì sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp.

Gia đình Will tin rằng áp lực của quá trình học nội trú khiến anh ngần ngại nhờ hỗ trợ y tế. Câu hỏi day dứt họ lúc này là: "Bao nhiêu bác sĩ nội trú khác đang đứng trước lựa chọn tương tự? Liệu việc thay đổi văn hóa đào tạo có thể cứu vớt họ trước khi quá muộn?"

Will để lại hai lá thư trước khi mất. Một lá thư gửi cho em trai David, được giữ kín theo nguyện vọng của anh. Lá thư còn lại, bắt đầu bằng "Chào tất cả mọi người", được gia đình chia sẻ với tờ Washington Post như một lời nhắc nhở đối với các bác sĩ nội trú và những người xung quanh.

Ai chăm sóc cho các bác sĩ?

Trong thư tuyệt mệnh, Will viết:

"Xin lỗi vì đây là lời tạm biệt hay nhất tôi có thể viết. Nhiều người trong số các bạn xứng đáng được hưởng điều tốt đẹp hơn. Nhưng tôi không thể lên tiếng, vì vậy một lá thư tuyệt mệnh là tất cả những gì tôi có thể để lại.

Tôi đã cạn kiệt năng lượng và không còn gì để cống hiến. Gửi đến những người có thẩm quyền với bác sĩ nội trú, xin nhớ rằng chúng tôi đến đây để tìm kiếm và học tập những điều tốt đẹp. Một số người trong chúng tôi phải đối mặt thử thách mà các bạn không nhìn thấy. Có những bác sĩ nội trú khác đang chiến một trận chiến sinh tử, diễn ra cả trong và ngoài phòng khám, bệnh viện. Trận chiến đó khiến chúng tôi sa vào trạng thái gần giống lười biếng, thiếu động lực hoặc ngớ ngẩn. Tất cả đều là những tội lỗi không thể tha thứ trong nghề nghiệp này.

Tôi hy vọng các bạn sẽ thấu hiểu, hỗ trợ và hướng dẫn bác sĩ nội trú, thay vì chỉ đơn giản là đánh giá và thúc đẩy họ đến giới hạn cao nhất, với tư cách là bác sĩ. Có rất nhiều người đang gặp vấn đề tâm lý tại GW. Cảm ơn các bạn rất nhiều vì đã ở bên cạnh tôi. Tôi chúc các bạn mọi điều tốt đẹp".

imrs-18-7344-1728850514.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Jb3ybNdB3wonOs3ZzmoY2Q

Will West, bác sĩ tại bệnh viện Đại học George Washington. Ảnh: Washington Post

Câu hỏi "Ai chăm sóc những người đang hành nghề chữa bệnh?" đã tồn tại từ lâu trước cái chết của Will. Nó được nêu ra trước cả khi Lorna Breen, một bác sĩ cấp cứu ở New York, tự tử vào năm 2020. Cái chết của bà làm nổi bật cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần trong giới y khoa. Đại dịch Covid-19 để lại nỗi ám ảnh cho Breen, cuối cùng khiến nữ bác sĩ rời bỏ cuộc sống.

Stefanie Simmons, giám đốc y tế tại Dr Lorna Breen Heroes’ Foundation, cho biết các bác sĩ phải khai báo nhiều vấn đề, kể cả sức khỏe tâm thần khi tìm việc, xin giấy phép hành nghề và làm bảo hiểm. Đôi khi, họ lo ngại các thông tin đó sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp. Vì vậy, đối với một số người, lựa chọn tốt nhất là âm thần chịu đựng và không đi khám.

Christine Moutier, giám đốc y tế tại Tổ chức Chống tự tử Mỹ (AFSP), cho biết các lãnh đạo chương trình sau đại học đã nỗ lực giải quyết vấn đề đó, nhưng việc cải cách chưa đồng đều và định kiến vẫn tồn tại.

Theo David, Will từng điều trị tâm lý khi học y khoa ở Utah. Tuy nhiên, anh sợ rằng đi khám tâm lý trong thời gian nội trú sẽ phá hủy sự nghiệp mình đã nỗ lực gây dựng. David chia sẻ về trải nghiệm nội trú của anh trai: "Anh ấy không cho phép điểm yếu và sự không hoàn hảo tồn tại. Khi xuất hiện, nó bị coi thường thay vì là cơ hội để học hỏi và phát triển".

Một số bác sĩ nội trú tại George Washington mô tả cảm giác bị mắc kẹt trong môi trường căng thẳng, nơi trầm cảm dường như là chuyện bình thường. Họ làm việc như robot, mất hứng thú với sở thích cá nhân và chỉ mong đến lúc được về nhà một mình.

Phát ngôn viên Julia Metjian của Đại học George Washington (GW) từ chối trả lời các câu hỏi cụ thể về cái chết của Will và thông tin về chương trình nội trú, nhưng đưa ra một tuyên bố chung: "Sự an toàn và hạnh phúc của sinh viên, giảng viên và nhân viên, gồm bác sĩ nội trú, là ưu tiên hàng đầu của trường. Tại GW, giống như các chương trình đào tạo y tế khác, chúng tôi nhận thức được việc học nội trú có thể là thử thách cá nhân, bác sĩ nội trú có thể cần hỗ trợ từ chuyên gia để giải quyết vấn đề tâm lý".

Làm việc quá sức, hưởng lương tối thiểu

Ba tháng sau cái chết của Will, khoảng 75 bác sĩ nội trú tuần hành bên ngoài trường y để yêu cầu hỗ trợ về sức khỏe tâm thần, tăng lương và giảm giờ làm. Một số người mang theo các tấm biển có nội dung: "Bao nhiêu bác sĩ nội trú nữa phải chết?", "Mức lương cần công bằng với trách nhiệm cứu người", "Làm việc quá sức và lương thấp", "Tôi mệt rồi".

Maryssa Miller, bác sĩ nội trú, cho biết cô làm việc 80 giờ mỗi tuần, có ít thời gian dành cho bản thân. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý. Cuối cùng, Miller đã tự kê đơn thuốc chống trầm cảm cho mình.

Elsa Alaswad, bác sĩ nội trú khoa thần kinh, cho biết cô không thể đặt lịch hẹn trị liệu thường xuyên thông qua các dịch vụ của trường, phải mất gần hai năm mới tìm được nơi tiếp nhận.

Bệnh viện Đại học George Washington, nơi hàng trăm bác sĩ nội trú làm việc, phục vụ người dân khu vực thủ đô. Điều này có nghĩa họ điều trị cho cả nhân vật chính trị và bệnh nhân thu nhập thấp.

Các bác sĩ nội trú cho biết sức khỏe của họ rất quan trọng. Họ cần khỏe mạnh để chữa bệnh cho cộng đồng. Theo nhiều đồng nghiệp, ngay trước khi qua đời, Will đã phản đối hệ thống chia lịch trực dựa trên thâm niên làm việc mà anh cho là không công bằng. Điều này khiến một số đồng nghiệp thất vọng. Tất cả họ đều đang cố gắng vượt qua giai đoạn đầy thử thách. Các bác sĩ nội trú cho biết, họ không hề nghĩ rằng anh đang gặp khó khăn về tâm lý.

"Tôi nghĩ anh ấy sẽ tốt nghiệp. Tôi nghĩ anh ấy sẽ vượt qua được", một bác sĩ nội trú nói.

Sau cái chết của Will, gia đình yêu cầu ban lãnh đạo thực hiện cải cách, bổ sung các buổi trị liệu cho sinh viên, giảm giờ trực để bác sĩ có thể chăm sóc sức khỏe tâm thần. Họ cũng đang chuẩn bị danh sách chi tiết, khuyến nghị trường đào tạo các bác sĩ tự chăm sóc bản thân. Họ dự định chia sẻ câu chuyện của con trai mình tại các hội nghị quốc gia sắp tới.

"Cuộc chiến mới chỉ bắt đầu", Will West Sr., bố Will, nói.

Vài năm gần đây, sức khỏe tâm thần của bác sĩ Mỹ đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh áp lực công việc và tình trạng quá tải trong hệ thống chăm sóc sức khỏe. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí General Hospital Psychiatry vào tháng 9/2020, tại một bệnh ở New York có 64% y tá kiệt sức cấp tính, 53% có dấu hiệu trầm cảm, và 40% lo âu. Các tình trạng ở y tá phổ biến hơn so với bác sĩ.

Thục Linh (Theo Washington Post)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022