Ngày 19/9, tạp chí Y khoa Lancet công bố báo cáo toàn cầu cho thấy thất bại của các quốc gia trong quá trình ứng phó Covid-19, đồng thời nêu các khuyến nghị chấm dứt đại dịch. Đây là kết quả sau hai năm làm việc của các chuyên gia y tế, kinh tế, chính sách công, khoa học xã hội và tài chính trên toàn thế giới.
Các sai sót trong công tác dập dịch
Các chuyên gia đã nêu bật những sai lầm phổ biến của công tác phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Điều này ước tính dẫn đến 17,7 triệu ca tử vong thời kỳ đại dịch (gồm cả những trường hợp không được báo cáo), tính đến ngày 15/9.
Nghiên cứu cho thấy hầu hết chính phủ đều thiếu chuẩn bị, hành động quá chậm, ít chú ý đến những người dễ bị tổn thương trong xã hội và không kiểm soát được các thông tin sai lệch. Dù vậy, các quốc gia tại Tây Thái Bình Dương - bao gồm Đông Á, Australia, và New Zealand đã áp dụng chiến lược dập dịch thành công hơn so với phần còn lại của thế giới.
Ngoài ra, các chuyên gia nhận định các nước đã thất bại trong việc hợp tác toàn cầu nhằm phân phối, tài trợ vaccine, thuốc men và các thiết bị phòng hộ cá nhân cho những nơi có thu nhập thấp. Điều này tạo tình trạng bất công, làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chủng nguy hiểm hơn.
Nhóm nghiên cứu còn nhấn mạnh vai trò của hệ thống y tế công ổn định và bình đẳng. Để đạt được điều này, các nước cần thiết lập mối quan hệ bền chặt với cộng đồng địa phương; đầu tư cho nghiên cứu khoa học xã hội và hành vi để phát triển các chiến lược can thiệp và truyền thông sức khỏe hiệu quả hơn; cập nhật liên tục các bằng chứng nhằm đẩy lùi tin giả.
11 khuyến nghị chấm dứt đại dịch
Bên cạnh việc chỉ ra những điểm yếu khiến Covid-19 trở thành thất bại toàn cầu, nhóm chuyên gia đưa 11 khuyến nghị để chấm dứt đại dịch, gồm:
Đầu tiên, các chuyên gia khuyến khíchtiêm vaccine kết hợp với các biện pháp phòng ngừa khác, thiết lập "chiến lược vaccine bổ sung" trên quy mô toàn cầu và từng quốc gia. Các nước cần tiêm phòng đại trà, đảm bảo sẵn sàng xét nghiệm và điều trị các ca Covid-19 kéo dài. Đồng thời, chính phủ nên duy trì các biện pháp y tế công cộng như đeo khẩu trang, giữ an toàn nơi làm việc, hỗ trợ tài chính đối với những người đang cách ly.
Báo cáo cũng lưu ý tầm quan trọng của việc tìm hiểu nguồn gốc virus. Theo các chuyên gia, cần có một cuộc điều tra không thiên vị, độc lập và nghiêm ngặt về nguồn gốc của nCoV, sự lây lan của virus trong tự nhiên (từ động vật) hoặc phòng thí nghiệm.
Điều này rất cần thiết để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai, đồng thời củng cố lòng tin của công chúng đối với cộng đồng khoa học và các cơ quan công quyền.
Một học sinh 14 tuổi được tiêm vaccine Covid-19 tại Nhà thờ Baptist của Pasadena, ngày 14/5. Ảnh: AP
Các nước nên ủng hộ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), coi đây là tổ chức hàng đầu về ứng phó bệnh truyền nhiễm mới. WHO cần có quyền quản lý, đạt được sự tín nhiệm của lãnh đạo chính trị các quốc gia, tiếp xúc với cộng đồng khoa học toàn cần và có nguồn ngân sách lớn, ổn định.
Các chuyên gia của Lancet cho rằng cần thiết lập một hiệp định về đại dịch toàn cầu, tăng cường các quy định y tế quốc tế nhằm kiểm soát các bệnh truyền nhiễm.
Hiệp định mới nên đề cao quyền lực của WHO, tạo ra hệ thống giám sát toàn cầu đối với các đợt bùng phát mầm bệnh mới. Nó cũng bao gồm các quy định kiểm soát khách du lịch quốc tế và vận chuyển hàng hóa trong thời kỳ đại dịch lây nhiễm toàn cầu. WHO cần xuất bản báo cáo hàng năm về vấn đề ứng phó với đại dịch.
Báo cáo của Lancet đề xuất thành lập Ban Y tế Toàn cầu mới của WHO để hỗ trợ đưa ra các quyết định quan trọng, đặc biệt về các vấn đề gây tranh cãi. Ủy ban có sự tham gia của người đứng đầu chính phủ đại diện cho từng khu vực trong số 6 khu vực trực thuộc WHO, do các quốc gia thành viên bầu chọn.
Thế giới nênthiết lập các quy định mới để phòng ngừa đại dịch từ tự nhiên và các hoạt động nghiên cứu. Việc ngăn chặn các tác nhân từ môi trường hoang dã đòi hỏi quy định nghiêm ngặt về buôn bán động vật, tăng cường hệ thống giám sát mầm bệnh (vi sinh vật gây bệnh) ở động vật và con người. Hội đồng Y tế Thế giới cần thông qua các quy định toàn cầu mới về an toàn sinh học để điều chỉnh các chương trình nghiên cứu quốc tế, đối phó với các mầm bệnh nguy hiểm.
Các nước G20 có thể thành lập chiến lược toàn cầu kéo dài 10 năm, với nguồn tài chính đi kèm. Mục tiêu là đảm bảo các khu vực trực thuộc WHO, bao gồm những nước thu nhập thấp, có thể sản xuất, phân phối, nghiên cứu và phát triển vaccine, phương pháp điều trị cũng như công cụ kiểm soát các đại dịch khác.
Các quốc gia nên củng cố hệ thống y tế dựa trên nền tảng là sức khỏe cộng đồng, sức khỏe toàn dân, quyền con người và quyền bình đẳng.
Chính phủ cần thông qua các kế hoạch chuẩn bị ứng phó đại dịch, bao gồm mở rộng hệ thống y tế công cộng, đầu tư vào lực lượng lao động có tay nghề cao, trang bị kiến thức khoa học, giúp công chúng "miễn nhiễm" với tin giả. Các nước cũng nên đầu tư vào nghiên cứu khoa học xã hội và hành vi để phát triển các biện pháp can thiệp y tế hiệu quả hơn, bảo vệ nhóm dễ tổn thương, đảm bảo an toàn tại trường học và nơi làm việc.
Báo cáo của Lancet đề xuất thành lập Quỹ Y tế Toàn cầu mới, với sự hỗ trợ của WHO, nhằm đầu tư hiệu quả cho việc chuẩn bị ứng phó đại dịch trong tương lai, tập trung vào chăm sóc ban đầu.
Đại dịch là một trở ngại cho sự phát triển bền vững, vì vậy, các chuyên gia cho rằng cầntăng cường tài trợ cho các kế hoạch phục hồi xanh.
Thục Linh (Theo Conversation)