Ngày 17/1, Trung Quốc lần đầu báo cáo dân số giảm sau 60 năm, xuống còn 1,4 tỷ người. Dân số nước này giảm một lần trước đó vào năm 1961, ba năm sau nạn đói tàn khốc. Sự suy giảm bắt nguồn từ tỷ lệ sinh thấp, hai năm đại dịch và tình trạng di cư sang nước ngoài.
Tuy nhiên, Trung Quốc không phải đất nước duy nhất đối mặt vấn đề thu hẹp dân số. Nhiều quốc gia khác, trong đó có Cuba, Đức, Hungary, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đứng trước nguy cơ này.
Tỷ lệ sinh ở Mỹ Latinh phần lớn đang giảm, song Cuba là trường hợp nổi bật. Số ca sinh thấp và người dân di cư ổn định khiến dân số bị thu hẹp. Bên cạnh đó, Cuba có dân số già nhất ở Mỹ Latinh, gây thêm áp lực cho những người trong độ tuổi lao động.
"Các nước phát triển có tỷ lệ tử vong, tỷ lệ sinh thấp, song dân số không giảm vì họ có người nhập cư. Tuy nhiên, Cuba lại khác", tiến sĩ Antonio Aja Díaz, Trung tâm Nghiên cứu Nhân khẩu học tại Đại học Havana, nhận định.
Hiện tại, các yếu tố về nhân khẩu học ở Cuba dường như không thay đổi. Nguyên nhân tỷ lệ sinh thấp có thể là đại dịch Covid-19 cùng lệnh trừng phạt của Mỹ (dưới thời Tổng thống Trump). Hai yếu tố này dường như thúc đẩy tình trạng di cư, khiến dân số tiếp tục giảm.
Bên cạnh Trung Quốc và Cuba, Đức cũng có tỷ lệ sinh giảm. Dù vậy, quy mô dân số của nước này tiếp tục tăng do làn sóng hơn một triệu người di cư và tị nạn vào giữa năm 2010.
Số ca sinh ở Đức được ghi nhận vào năm 2021 tăng nhẹ. Nước này chào đón sự xuất hiện của 775.000 đến 795.000 trẻ sơ sinh, tăng so với con số 773.000 ghi nhận năm 2020.
Tuy nhiên, số người chết cũng tăng, từ hơn 985.000 vào năm 2020 lên khoảng 1,02 triệu vào năm 2021 - con số hàng năm cao nhất được ghi nhận kể từ năm 1946.
Các nhà thống kê cho biết, điều này một phần do Covid-19, một phần do dân số Đức đang già hóa nhanh chóng. Các chuyên gia cho biết nước này sẽ ghi nhận số ca tử vong tăng lên theo từng năm.
Một y tá đang chăm sóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện thành phố Phụ Dương, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Hungary cũng đứng trước nguy cơ suy giảm dân số. Để khắc phục tình trạng đó, chính đã quyết định thành lập các phòng khám hỗ trợ sinh sản do nhà nước điều hành.
Tháng 12/2019, chính quyền thủ tướng Viktor Orban thông báo mua 6 phòng khám tư nhân chuyên khoa thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Đối mặt với vấn đề "có tầm quan trọng chiến lược quốc gia", chính phủ nắm quyền kiểm soát các cơ sở IVF, miễn trừ các hạn chế cạnh tranh.
Kể từ năm 2020, các bang cung cấp thuốc điều trị sinh sản miễn phí tại nhiều phòng khám. Thủ tướng Orban cũng đề ra các khoản miễn trừ thuế, đề xuất khoản vay cho các gia đình trong nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ sinh.
Kể từ mùa hè 2022, thủ tướng Orban cấm các phòng khám tư nhân cung cấp dịch vụ IVF. Chính quyền cho biết sẽ nỗ lực hỗ trợ người dân tiếp cận thủ tục một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng động thái này làm giảm đáng kể lựa chọn của phụ nữ.
Chưa từng đề xuất chính sách một con như Trung Quốc, tỷ lệ sinh của Nhật Bản vẫn giảm dần trong nhiều năm gần đây. Dân số nước này dự kiến giảm từ 127 triệu vào năm 2018 xuống còn 88 triệu vào năm 2065. Mỗi năm, 500 trường học phải đóng cửa vì không đủ học sinh nhập học. Các chuyên gia cho biết Nhật Bản cần thúc đẩy ca sinh để đảm bảo lực lượng lao động nhằm vận hành nền kinh tế.
Năm 2022, chánh văn phòng nội các Nhật Bản, Hirokazu Matsuno, nhận định tình hình hiện tại khá "nguy cấp". Chính phủ chủ yếu dùng trợ cấp để trang trải chi phí mang thai, sinh nở và chăm sóc trẻ em.
Tỷ lệ sinh trung bình của phụ nữ Hàn Quốc năm 2021 là 0,81 con/người, giảm so với năm trước và phá vỡ kỷ lục thế giới về tỷ lệ sinh thấp. Đây là dữ liệu được Cục Điều tra Dân số Hàn Quốc công bố tháng 8/2022, kèm nhận định nước này đang đối mặt với viễn cảnh giảm hơn một nửa dân số vào cuối thế kỷ 21. Cụ thể, đến năm 2100, dự kiến dân số nước này giảm 53%, xuống còn 24 triệu người, thay vì 51 triệu người như hiện tại.
Thục Linh (Theo Washington Post, Fortune)