Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội ghi nhận 44 ca nhiễm sởi trong tuần qua, tăng 19 ca so với tuần trước đó và tăng so với cùng kỳ 2023. Trong 11 tháng đầu năm, tổng số mắc là 87 ca, tại 23 quận, huyện, không có ca tử vong. CDC nhận định số ca tiếp tục có xu hướng tăng, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ.

Bệnh viện Nhi Hà Nội, đơn vị y tế tuyến cuối của thủ đô, tiếp nhận hơn 40 ca kể từ khi hoạt động vào đầu tháng 10. Nhiều bệnh nhi ở các tỉnh lân cận đến điều trị. Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội, cho biết nhóm trẻ dưới một tuổi chiếm hơn 40%, nhiều trường hợp chưa đến độ tuổi tiêm phòng, khoảng 30% nhập viện trong tình trạng nặng, phải can thiệp thở oxy hoặc thở máy. Ngoài ra, bệnh viện cũng ghi nhận một số ca ở trẻ lớn trên 5 tuổi.

Như em bé 3 tháng tuổi, ở huyện Thanh Trì, xuất hiện các triệu chứng ho, sốt, nổi ban. Lúc đầu, ban mọc ở mặt, song chỉ sau vài ngày đã lan toàn thân kèm ngứa, khi vào Bệnh viện Nhi Hà Nội đã trở nặng, viêm phổi. Kế bên giường của bé này là bệnh nhi 2 tuổi sốt cao và phát ban toàn thân. Bé từng mắc sởi một lần, song người nhà không cho con tiêm vaccine, lần này bệnh nghiêm trọng hơn, khó thở. Cả hai cháu phải can thiệp thở oxy.

Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, trong tháng 12 tiếp nhận nhiều bệnh nhân sởi là người lớn, gặp biến chứng nặng, tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn cử, người đàn ông 38 tuổi ở Thanh Hóa, sốt liên tục 5 ngày, đau họng, viêm đường hô hấp trên, ban lan toàn thân kèm ngứa. Vào bệnh viện tỉnh, anh được chẩn đoán sốt phát ban, điều trị không tiến triển, chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai xét nghiệm khẳng định nhiễm virus sởi, phải điều trị tích cực.

Trong khi đó, đầu tuần này, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hải Dương ghi nhận xuất hiện một ổ dịch sởi tại phường Tân Dân (Kinh Môn). Ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào ngày 4/12, sau đó thêm 4 bệnh nhân lây nhiễm. Trong đó, 4 trường hợp chưa tiêm vaccine và một trường hợp đã tiêm 2 mũi có chứa thành phần phòng bệnh sởi.

Ổ dịch này nâng số ca sởi tại Hải Dương lên 18 tính từ đầu năm đến nay, tăng 11 ca so với cùng kỳ năm 2023. Bệnh nhân chủ yếu là trẻ em, chưa ghi nhận ca tử vong.

4cc56b707673cb2d9262-173466112-9710-9017-1734661408.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QcjAwEDiuQ0bqm9_2p4p7A

Bác sĩ điều trị một bệnh nhi. Ảnh: Hồng Vân

Số ca sởi tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc gia tăng, song vẫn chiếm tỷ lệ thấp so với cả nước. Bộ Y tế ghi nhận gần 5.000 ca dương tính trên cả nước từ đầu năm đến nay, cao hơn 111 lần so với năm 2023. Địa phương có số nghi sởi và sởi dương tính cao là TP HCM, Đồng Nai, Nghệ An, Đăk Lăk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp.

Riêng TP HCM ca sởi tăng kỷ lục với tổng số ca mắc từ đầu năm lên hơn 1.800, ba trường hợp tử vong. Giữa tháng 11, lần đầu số ca vượt 200 một tuần, trong khi những tuần trước, con số quanh 100.

Ca sởi cả nước tăng cao theo diễn biến chung toàn thế giới. Thế giới ghi nhận 10,3 triệu ca, tăng 20% so với năm 2022, trong đó hơn 107.000 trường hợp tử vong, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về việc gia tăng số ca sởi và nguy cơ bùng phát dịch tại nhiều khu vực toàn cầu.

Các chuyên gia nhìn nhận dịch sởi năm 2024 là hệ quả của chu kỳ bệnh dịch tự nhiên kết hợp với tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hơn 90% trẻ nhập viện chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ. Giai đoạn cách ly xã hội trong dịch Covid-19 khiến nhiều trẻ bị bỏ lỡ các mũi tiêm quan trọng, đồng thời phụ huynh thiếu cảnh giác với lịch tiêm nhắc lại, dẫn đến sự gia tăng ca mắc, đặc biệt trong nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi - nhóm chưa đến độ tuổi tiêm vaccine.

Ngoài ra, người lớn lầm tưởng rằng bệnh sởi chủ yếu là ở trẻ em và đã được khống chế nhờ vaccine nên dễ chủ quan. Nhiều người có triệu chứng, đi khám bị chẩn đoán nhầm là dị ứng, khi đến viện mới biết mắc sởi, bệnh đã trở nặng.

Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cho rằng một nguyên nhân khác gia tăng số ca mắc là di biến động dân cư và việc bỏ sót trẻ chưa tiêm tại trường học. Kết quả khảo sát gần đây trên 35 trẻ 1-5 tuổi bị bệnh sởi tại thành phố cho thấy đến 23% trẻ không có thông tin trên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia và 17% trẻ có địa chỉ khai báo địa chỉ ở tỉnh khác. Ngoài ra, khảo sát các trẻ mắc sởi cũng phát hiện 13 trường học báo cáo đã hoàn thành chiến dịch tiêm chủng nhưng vẫn sót trẻ chưa được tiêm vaccine.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính và nguy hiểm, lây qua đường hô hấp do virus họ Paramyxoviridae, có khả năng lây lan thành dịch. Virus sởi dễ lây theo đường không khí hoặc giọt bắn, nhóm nguy cơ là trẻ em chưa được tiêm phòng hoặc người lớn suy giảm miễn dịch. Sởi ở người lớn hay trẻ em đều có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm đường phổi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, bội nhiễm gây viêm tai giữa, viêm ruột.

Bệnh có thể phòng ngừa an toàn bằng biện pháp tiêm chủng. Vaccine sởi hiện nay dành cho người lớn là vaccine 3 trong 1 MMR (sởi-quai bị-rubella) sẽ giúp phòng bệnh và ngăn ngừa các biến chứng. Bên cạnh đó, cần giữ vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân, nâng cao sức khỏe để tăng sức đề kháng và đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh.

Trẻ từ 9 tháng tuổi cần tiêm mũi đầu tiên, nhắc lại mũi hai ở 15-18 tháng và mũi thứ ba khi trẻ 4-6 tuổi. Đối với trẻ có nguy cơ cao hoặc sống trong vùng dịch, bác sĩ có thể cân nhắc tiêm sớm từ 6 tháng tuổi. Tiêm phòng đầy đủ không chỉ bảo vệ cá nhân trẻ mà còn giúp giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022