Thông tin được TS.BS Nguyễn Tuấn Tùng, Giám đốc Trung tâm Huyết học và truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Huyết học và truyền máu, ngày 17/10.
Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị triệt để nhất, cơ hội duy nhất giúp bệnh nhân máu ác tính cũng như lành tính có thể khỏi bệnh. Bệnh viện Bạch Mai hiện đã làm chủ được phương pháp ghép tế bào gốc điều trị một số bệnh huyết học.
"Hiện, bệnh viện đã ghép tế bào gốc cho hơn 120 bệnh nhân với tỷ lệ thành công cao. Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị đã có sức khỏe bình thường, sinh hoạt như người khỏe mạnh", ông Tùng nói, chia sẻ có bệnh nhân điều trị từ năm 21 tuổi, khi chưa có gia đình, đến nay đã kết hôn, sinh con khỏe mạnh.
Bác sĩ thực hiện kỹ thuật gạn tách tế bào gốc cho bệnh nhân trước ghép. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Đặc biệt, chi phí cho ghép tế bào gốc tại Việt Nam được đánh giá là rẻ hơn nhiều so với một số quốc gia. Ví dụ, ghép tế bào gốc ở Singapore giá khoảng từ 4 - 6 tỷ đồng, ở Đài Loan (Trung Quốc) từ 2 - 5 tỷ đồng. Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí của Viện Y tế Quốc gia Mỹ, chi phí của cấy ghép tế bào gốc tạo máu (HSCT) tại Mỹ dao động từ khoảng 87.000 đến 300.000 USD, với chi phí trung bình là 289.283 USD cho các bệnh nhân trong nhóm điều trị myeloablative allogeneic và 253.467 USD cho nhóm điều trị nonmyeloablative. Tuy nhiên, chi phí có thể khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố và một số bệnh nhân không được bảo hiểm chi trả.
HSCT có thể là tự thân (sử dụng tế bào gốc của chính bệnh nhân), đồng loại (tế bào gốc từ một cặp song sinh giống hệt nhau ) hoặc đồng loại (tế bào gốc từ người hiến tặng).
"Còn ở Việt Nam, một số trường hợp bảo hiểm y tế thanh toán, chi phí sau khi ghép tế bào gốc khoảng hơn 40 triệu đồng", TS Tùng nói.
Chi phí ca ghép tế bào máu tự thân bao gồm nhiều yếu tố, như nguồn tế bào gốc tự thân, công nghệ thu thập, phân tách, tăng sinh và lưu trữ tế bào, phẫu thuật ghép, theo dõi sau ghép,...
Hiện, cả nước có hơn 10 bệnh viện có thể ghép tế bào gốc với hơn 1.000 bệnh nhân đã được ghép. Tỷ lệ thành công của ghép tế bào gốc tùy từng loại kỹ thuật ghép, loại bệnh. Ví dụ, với kỹ thuật ghép đồng loại ở người bạch cầu cấp dòng tủy, tỷ lệ sống 5 năm sau ghép là khoảng 50%. Nhóm bệnh lành tính như suy tủy xương thì tỷ lệ sống 10 năm lên tới 70%.
TS Tùng cho hay phương pháp gene trị liệu đang là xu hướng điều trị trên thế giới. Phương pháp này sử dụng các đoạn gene khỏe mạnh để thay thế các gene bệnh của bệnh nhân, áp dụng điều trị trong một số bệnh lý về di truyền về máu như bệnh thalassemia, hemophilia và một số bệnh lý ung thư.
TS.BS Nguyễn Tuấn Tùng chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Thế Anh
Tại hội nghị, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng cho hay huyết học và truyền máu là một trong những chuyên ngành khó, bệnh lý nặng và phức tạp. Tuy nhiên, đây cũng là chuyên ngành có cơ hội tốt để trở thành tiên phong trong việc triển khai áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ phát triển ứng dụng các kỹ thuật cao, chuyên sâu, tiếp cận với dịch vụ các nước phát triển trên thế giới như sử dụng liệu pháp tế bào trị liệu, các thuốc nhắm đích mới, ghép tế bào gốc điều trị các bệnh lý tự miễn.
Còn Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn yêu cầu bệnh viện đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các nước tiên tiến, nhằm tiếp tục phát triển ngành huyết học và truyền máu ở Việt Nam theo hướng hiện đại và toàn diện.
Lê Nga