Ngày 29/10, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo Công bố tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đây là nghiên cứu do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) thực hiện, bằng phương pháp tổng hợp và phân tích các nghiên cứu, báo cáo của quốc tế và trong nước về tác hại của thuốc lá mới, nhằm đề xuất các biện pháp ngăn chặn thuốc lá mới.

TS. Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, cho biết nghiên cứu cho thấy Việt Nam đối mặt với sự gia tăng người sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN), đặc biệt là trong giới trẻ.

Kết quả sơ bộ của điều tra tại 11 tỉnh/thành phố năm 2023, tỷ lệ sử dụng TLĐT ở học sinh 13-17 là 8,1%, tăng gấp 3 lần so với 5 năm trước. Còn tỷ lệ sử dụng TLNN ở nhóm 13-15 tuổi là 1,4%. Tỷ lệ sử dụng ở các thành phố lớn và thành thị cao hơn so với nông thôn.

Theo báo cáo từ gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN với triệu chứng dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp, và cả đột quỵ não. Số ngày điều trị trung bình từ 1-6 ngày; sau điều trị vẫn để lại di chứng ở 62 người (5%). Trong số đó, khoảng 6% người dưới 18 tuổi; 10% là nữ; 6,6% sử dụng lần đầu tiên; 90% sử dụng kép (có sử dụng cả thuốc lá thông thường).

2-3118-1730205861.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xJRWdH-mtTc8fAoTId69QA

Thuốc lá điện tử. Ảnh:Benefits Bridge.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra 4 tác hại của thuốc lá mới. Đối với sức khỏe, TLĐT gây tác hại cấp tính, có thể dẫn đến tổn thương phổi cấp có thể dẫn đến tử vong (EVALI); bị thương và bỏng do nổ pin và cháy thiết bị; ngộ độc do quá liều nicotine và các chất ma túy được pha trộn vào dung dịch TLĐT.

Loại thuốc lá này chứa nicotine - chất gây nghiện mạnh, có hại cho sự phát triển não bộ, gây bệnh hô hấp ở người, làm suy giảm/rối loạn chức năng phổi. TLĐT còn làm nặng thêm các rối loạn hô hấp như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), làm thay đổi chức năng của các tế bào tủy, bao gồm cả bạch cầu hạt, do đó ảnh hưởng lên các bệnh dị ứng...

Sử dụng TLĐT lâu dài cũng gây tác hại lâu dài đến chức năng tim mạch, và ung thư, các bệnh răng miệng. Đặc biệt, loại thuốc lá mới này ảnh hưởng đến sự phát triển và thai nhi, bao gồm hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh hay những dị tật thính giác và béo phì ở trẻ em, giãn phế quản ở trẻ sơ sinh...

TLĐT có thể tăng nguy cơ sử dụng ma túy do người dùng có thể tự pha chế dung dịch, pha trộn các chất cấm như cần sa tổng hợp, ketamin, heroin vào thuốc lá, đặc biệt là ở giới trẻ. Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, tình trạng mua bán, sử dụng TLĐT pha trộn, tẩm ma túy (cần sa tổng hợp) đang diễn biến phức tạp, đặc biệt trên mạng, chủ yếu là giới trẻ. Số vụ, đối tượng, tang vật bị phát hiện, bắt giữ tăng mạnh qua các năm, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Bên cạnh đó, các sản phẩm trên còn gây hại về môi trường, kinh tế và xã hội.

1-jpeg-8235-1730205861.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=29FQNRLB1INnExg_uUgD3A

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: N.Nhiên

Tại hội thảo, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cũng đánh giá sự xuất hiện thêm các sản phẩm mới này sẽ làm gia tăng số người hút thuốc, tăng nguy cơ sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác, thêm gánh nặng bệnh tật cho người dân và trầm trọng thêm các vấn đề về y tế công cộng, an ninh trật tự, xã hội và môi trường.

Vì vậy, các chuyên gia đề xuất cần sớm có biện pháp ngăn chặn thuốc lá mới. Trước mắt Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối, bán và quảng cáo, khuyến mại TLĐT, TLNN ở tất cả các dạng ở Việt Nam. Trong thời gian tới, các quy định này cần được nghiên cứu luật định khi sửa Luật phòng chống tác hại của thuốc lá.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022