Không ít người dùng mỹ phẩm gặp hậu quả là bị mụn trên da mặt. Những người thường khổ sở vì mụn nhiều năm trong đời thường là người có cơ địa da nhờn, đã từng bị mụn khi ở độ tuổi thanh thiếu niên. Tổn thương chủ yếu là mụn có nhân trắng, mụn mủ, khi diễn tiến lâu thành các nốt cục màu đỏ tại nang lông, có thể gây đau hoặc ngứa, phân bố ở cằm, má, trán. Tuy tình trạng thường nhẹ nhưng dai dẳng, hết một thời gian lại tái diễn.
Da nổi mụn khi dùng mỹ phẩm chứng tỏ bạn đã và đang gặp những sai lầm trong quá trình làm đẹp.
Mỹ phẩm làm đẹp nhưng cũng ẩn chứa hiểm họa 'làm xấu' làn da của bạn.
5 sai lầm khi dùng mỹ phẩm khiến da nổi nhiều mụn
Không hiểu nguyên tắc làn da nào mỹ phẩm ấy: Đa phần chúng ta thường có thói quen mua mỹ phẩm theo cảm tính, chứ không để ý đến việc chúng phù hợp với tính chất làn da của mình hay không. Đây là một việc làm hoàn toàn sai lầm, không chỉ giảm hiệu quả mà còn khiến da xấu đi, yếu ớt, nổi mụn… thậm chí là kích ứng.Vì vậy, bạn nên tìm hiểu thật kỹ xem làn da mình thuộc loại da gì, từ đó mới lựa chọn sản phẩm phù hợp. Trường hợp thuộc da mụn, da nhờn và da hỗn hợp thì hãy ưu tiên mỹ phẩm có nhãn mác như non-comedogenic (không gây nổi mụn) hoặc oil free (không chứa dầu). Ngược lại đối với da khô và da thường bạn cần mua loại thành phần chứa tinh dầu, có tác dụng dưỡng ẩm.
Sử dụng mỹ phẩm khi chưa rửa sạch mặt: Khi bạn sử dụng mỹ phẩm mà da chưa được làm sạch thì vừa không mang lại hiệu quả như mong muốn vừa làm da tổn thương và bị mụn. Da bẩn sẽ ngăn cản quá trình thẩm thấu của các chất trong mỹ phẩm, khiến lỗ chân lông bịt kín và bụi bẩn, vi khuẩn dễ dàng bám vào.
Cần rửa sạch mặt trước khi sử dụng mỹ phẩm.
Không tẩy trang trước khi ngủ: Rất nhiều người mặc dù siêng trang điểm, nhưng lại lười tẩy trang, thường xuyên để khuôn mặt đầy kem phấn đi ngủ. Bạn nên nhớ rằng, nếu tẩy trang qua loa thì cũng tai hại ngang thế bởi không lấy đi hết chất bẩn trên bề mặt da. Nếu biết rằng, bỏ qua khâu tẩy trang cẩn thận trước khi ngủ là nguyên nhân hàng đầu khiến làn da bị kích ứng, nổi mẩn ngứa, xỉn màu, kém tươi sáng, lỗ chân lông giãn to và nhanh lão hóa… chắc bạn sẽ đủ động lực để thoát lười.
Sữa rửa mặt rất cần thiết nhưng bạn lại lạm dụng quá: Làn da cần được vệ sinh sạch sẽ, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải rửa mặt bằng sữa rửa mặt liên tục vài lần trong ngày. Rửa mặt quá nhiều khiến làn da mất đi độ ẩm cần thiết và hỏng lớp màng bảo vệ bên ngoài, dẫn đến làm da khô hơn, nhờn hơn, mỏng đi, nhanh bắt nắng và dễ chịu tác động xấu của các tác nhân bên ngoài.Tốt nhất, bạn chỉ rửa mặt mỗi ngày 2 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy. Đồng thời, bạn cũng nên sử dụng các sản phẩm sữa rửa mặt, làm sạch nhẹ nhàng, thích hợp với từng loại da.
Dùng mỹ phẩm đã hết hạn: Do vô tình hoặc đơn giản chỉ vì… tiếc mà nhiều chị em sử dụng mỹ phẩm đã hết hạn. Dùng mỹ phẩm hết hạn hoàn toàn không đem lại hiệu quả, có thể khiến da bị dị ứng, bị ngứa ngáy, thậm chí còn tích tụ hóa chất độc hại gây hại cơ thể.
Chỉ sử dụng mỹ phẩm chưa quá hạn.
Các thuốc bôi ngoài da trị mụn do mỹ phẩm
Thuốc trị tại chỗ thường áp dụng với các trường hợp bị mụn nhẹ. Một số thuốc sau hay được sử dụng bôi trực tiếp lên vị trí nổi mụn:
Clindamycin 1%: Có ở dạng gel hoặc dung dịch. Thuốc có tác dụng làm giảm các tổn thương do mụn và ngăn chặn sự tăng trưởng của vi khuẩn gây mụn Propionibacterium acnes, có tác dụng tốt đối với mụn mủ, sẩn mủ, nhưng đối với nang mụn và nhân mụn thì thuốc ít có hiệu quả. Khi dùng cần rửa thật sạch vùng tổn thương (mụn), lau khô da sau đó thoa một lớp gel mỏng lên vùng da bị mụn.
Quyết định đi ngủ sớm trong 1 tháng, làn da sẽ có 5 thay đổi vượt xa tưởng tượng
Erythromycin 4%: Có dạng dung dịch và dạng gel bôi ngoài da, dùng để bôi trị mụn và các nhiễm khuẩn ngoài da. Bôi 1-2 lần/ngày theo chỉ định của bác sĩ. Dùng thuốc trong khoảng 1-3 tháng cho đến khi bệnh thuyên giảm.
Benzoyl peroxyd: Là thuốc kháng khuẩn có tác dụng trên vi khuẩn gây mụn Propionibacterium acnes, làm giảm axít béo tự do trong nang tuyến bã, làm tiêu nhân mụn. Ngoài ra, benzoyl peroxid còn làm tróc vảy da và bong lớp sừng. Tránh để thuốc tiếp xúc với mắt, niêm mạc, môi và miệng. Nếu không may tiếp xúc xảy ra, phải rửa kỹ với nước.
Tretinoin: Thuốc có hiệu quả trên nhân mụn, do tác dụng tiêu tan các “nút mụn” làm cho nhân mụn được thoát ra (trồi ra ngoài), các vi nang (nơi có nhiều vi khuẩn Staphylococcus epidermis và Propionibacterium acnes sinh sôi) trở thành các nang mở và tránh được ứ đọng chất bã. Thuốc ít có hiệu quả với mụn mủ và mụn nang. Người bệnh điều trị bằng tretinoin ở mặt không được rửa mặt quá 2 - 3 lần mỗi ngày, phải dùng xà phòng dịu và trung tính. Không bôi lên mắt và vùng quanh mắt, miệng, góc mũi, màng nhầy hoặc vết thương hở. Tránh ra nắng càng nhiều càng tốt. Bôi thuốc vào lúc trước khi đi ngủ là tốt nhất.
Lời dặn của bác sĩ da liễu
Theo TS.BS. Vũ Thái Hà (BV Da liễu TW), trước khi dùng thuốc, người bệnh cần đi khám chuyên khoa da liễu để có chỉ định dùng thuốc thích hợp. Không được chích nặn mụn nhọt ở giai đoạn đang viêm tấy, mụn chưa hóa mủ để tránh biến chứng nhiễm khuẩn. Trước khi bôi thuốc cần thử xem mình có bị mẫn cảm với thuốc hay không bằng cách bôi thử thuốc trên một vùng da nhỏ. Nếu có kích ứng hoặc khô da thì nên giảm số lần dùng. Nếu bị ngứa nhiều, đỏ, nóng bừng, sưng phồng hoặc kích ứng thì ngừng thuốc và hỏi ý kiến bác sĩ da liễu.