Là một trong ba đơn vị thực hiện thí điểm hợp đồng xã hội tại Điện Biên, anh Quàng Văn Bình, Phó trưởng nhóm Hoa Ban Trắng (Điện Biên), cho biết nhóm đang hỗ trợ cho 100 người nhiễm HIV. Nhóm có nhiệm vụ cấp phát và hướng dẫn bệnh nhân sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn phòng lây nhiễm HIV.

Đơn vị này cũng giới thiệu khách hàng tiếp cận điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (Methadone); kết nối người có kết quả khẳng định HIV dương tính vào cơ sở điều trị ARV hay người có hành vi nguy cơ cao chưa nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)...

"Chúng tôi làm việc xuyên Tết, chia ca trực, đảm bảo hỗ trợ bệnh nhân HIV trong mọi tình huống", anh Bình nói.

Anh Long, nam quan hệ tình dục đồng giới, khách hàng của nhóm Hoa Ban Trắng tại Điện Biên, cho biết vấn đề kỳ thị với người nhiễm HIV, người đồng tính nam còn rất nặng nề ở địa phương của anh. Vì thế, việc bị lộ danh tính là vấn đề rất được các khách hàng quan tâm và lo lắng. Điều này khiến anh và nhiều người rất e ngại khi tiếp cận các dịch vụ tại các cơ sở y tế công lập.

"Trong khi đó, các tổ chức xã hội trên địa bàn thường là những người trong cùng cộng đồng vì thế tôi cảm thấy thoải mái hơn khi tiếp xúc với họ", anh Long nói.

Không chỉ các tổ chức xã hội ở Điện Biên làm việc xuyên Tết, các tổ chức cộng đồng và doanh nghiệp xã hội ở 8 tỉnh thành khác trong đề án thí điểm hợp đồng xã hội, đều đảm bảo cung cấp đầy đủ dịch vụ cho người HIV trong dịp nghỉ tết Nguyên đán. Anh Lê Tuấn Cường, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Niềm Tin Sông Tiền, tỉnh Tiền Giang, cho biết Tết Nguyên đán là thời điểm cao điểm nhất trong năm vì có nhiều khách hàng từ các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Cần Thơ về quê ăn Tết.

"Để đảm bảo tính liên tục các dịch vụ cho khách hàng, đặc biệt là những khách hàng về quê ăn Tết, chúng tôi tăng cường quảng bá cung cấp dịch vụ xuyên Tết trên các nền tảng mạng xã hội để họ biết, đồng thời phân công các thành viên trực 24/7 tại văn phòng", anh Cường nói, thêm rằng các thành viên phụ trách tại các địa bàn huyện sẽ cấp thêm bao cao su, chất bôi trơn, PEP, PrEP cũng như các kit test.

416333916-955127759594615-4916-5168-2669-1706700899.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bloqV-Z3ciBITIXAJjwzrw

Một tổ chức xã hội ở Điện Biên cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS cho khách hàng. Ảnh: Cục phòng chống HIV/AIDS

Bác sĩ Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết mô hình hợp đồng xã hội có ý nghĩa lớn trong việc tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội. Từ đó, họ tham gia hiệu quả vào các hoạt động phòng chống dịch trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế dành cho HIV/AIDS tại Việt Nam bị cắt giảm.

Tính đến tháng 9/2023, đề án thí điểm hợp đồng xã hội đã được triển khai tại 9 tỉnh bao gồm Nghệ An, Đồng Nai, Tây Ninh, Điện Biên, Tiền Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Cần Thơ và Kiên Giang. 13 doanh nghiệp xã hội và tổ chức cộng đồng đã ký thành công 20 hợp đồng, cung cấp dịch vụ cho gần 4.000 khách hàng.

Báo cáo cập nhật toàn cầu của UNAIDS năm 2023, hình thức ký kết hợp đồng xã hội đang được thực hiện ở 18 trong số 59 quốc gia được nghiên cứu. Ngoài ra, hợp đồng xã hội cũng đang bắt đầu được giới thiệu ở 16 quốc gia khác. Ở châu Á, một số quốc gia như Bangladesh, Afghanistan, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Campuchia, đã sử dụng hình thức hợp đồng xã hội để huy động các tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ phòng, chống dịch từ nguồn lực trong nước.

Việt Nam chưa có chính sách cụ thể để triển khai hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc xây dựng, thực hiện thí điểm và đánh giá rút kinh nghiệm từ các mô hình này là cần thiết để xây dựng chính sách phù hợp, là bước đệm để Bộ Y tế đề xuất xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, giúp các tỉnh thành chủ động phòng chống dịch.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022