Theo thông tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương, các bác sĩ của bệnh viện đang điều trị cho một bệnh nhi bị vảy nến mức độ nặng do điều trị tại nhà sai cách.
Cụ thể, bé trai 23 tháng tuổi ở Nghệ An được đưa vào viện trong tình trạng toàn thân lở loét, vẩy đóng kín đầu. Mẹ của bé cho biết, từ 3 tháng tuổi, bé đã có biểu hiện ngứa ngáy, da mẩn đỏ với các nốt nhỏ li ti. Ban đầu vùng tổn thương da ở cổ, lưng, rồi sau đó lan ra khắp cơ thể khiến trẻ thường xuyên quấy khóc, mất ngủ, ngứa ngáy.
Bệnh nhi đang được điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Ảnh: Thu Trang.
Gia đình đã sử dụng nhiều loại lá thuốc để tắm, đồng thời bôi các loại thuốc không rõ thành phần để bôi da cho trẻ nhưng không thuyên giảm.
3 tháng gần đây, bệnh tiến triển nặng hơn. Vùng đầu của trẻ rát đỏ, đóng vảy thành từng tảng. Tay, chân, mặt của trẻ cũng xuất hiện những đám đỏ dày đặc, lở loét chảy mủ nên được đưa đi khám.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán, trẻ mắc bệnh vảy nến, mức độ nặng nên được điều trị thuốc bôi tại chỗ. Sau 1 ngày vào viện, tình trạng của trẻ cải thiện hơn, tổn thương da đã giảm đỏ và bắt đầu bong vảy.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ, bệnh nhi vẫn cần tiếp tục theo dõi khả năng đáp ứng với thuốc để xác định phải điều trị lâu dài hay không.
Trước đó, các bác sĩ Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cũng tiếp nhận bệnh nhi 4 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng da toàn thân viêm loét đỏ trợt da, rỉ máu, rỉ dịch...
Theo lời kể người nhà, khi bé được 1 tháng tuổi người nổi mẩn li ti, người nhà đã dùng lá cây đun sôi để nguội tắm cho trẻ. Sau tắm, trẻ xuất hiện mẩn đỏ toàn thân, gia đình tiếp tục mua thuốc về bôi nhưng không đỡ. Qua quá trình thăm khám, làm các xét nghiệm trẻ được chẩn đoán: Nhiễm trùng huyết sau tắm lá cây.
Thận trọng khi tắm các loại lá cây cho trẻ
Trên thực tế, việc dùng các loại lá cây đun nước để tắm cho trẻ sơ sinh là một việc hết sức quen thuộc trong dân gian. Tuy nhiên tắm bằng lá cây cho trẻ là việc cần cân nhắc, thận trọng vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Các chuyên gia khuyến cáo, nên thận trọng khi tắm các loại lá cây cho trẻ. Ảnh minh họa.
Theo BS Hoàng Thị Phượng, Trưởng Khoa điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương, các bác sĩ da liễu không khuyến cáo bệnh nhân tắm bằng các loại lá cây mà sử dụng các loại sữa tắm hoặc xà phòng dưỡng ẩm để làm cho da mềm. Lá cây có thể chứa các thành phần gây kích ứng khiến da đỏ hơn, là một trong yếu tố làm bệnh tiến triển nặng.
Với trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, làn da rất mỏng, cấu trúc da chưa ổn định nên rất dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng. Đa phần các bệnh về viêm da ở trẻ sơ sinh là do vi khuẩn tấn công từ bên ngoài. Trong khi đó các loại lá do mọc ở bờ bụi, ven đường, bờ ruộng bị nhiễm khuẩn, thậm chí có nhiễm thuốc trừ sâu rất khó rửa sạch, kể cả khi đun sôi thì mầm bệnh chưa hẳn được loại bỏ hết.
Đặc biệt, vào mùa nắng nóng, việc tắm lá không đúng cách càng khiến trẻ bị bội nhiễm có thể nhiễm trùng máu, nguy hiểm đến tính mạng.
Theo các bác sĩ, không phải trường hợp nào tắm lá cũng gây các phản ứng trên da. Một số bài thuốc tắm trẻ trong dân gian như tắm bằng quả mướp đắng, lá chè tươi, tắm chanh hay một số loại lá cây khác rất tốt cho trẻ.
Tuy nhiên, không phải trẻ sơ sinh nào cũng thích ứng được những loại nước lá và quả này. Vì vậy, nên làm sạch da hằng ngày cho trẻ bằng nước ấm hoặc các loại sữa tắm diệt khuẩn, có độ pH phù hợp sẽ tránh gây ra những kích ứng hay dị ứng cho da của trẻ.
Để tránh gây hại cho trẻ khi tắm, các chuyên gia khuyến cáo, không nên tùy tiện dùng nước lá tắm cho trẻ. Nếu thấy da trẻ nổi mẩn đỏ bất thường và có dấu hiệu lan trên diện rộng nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng có thể xảy ra.
GĐXH – Bệnh nhi được đưa đến viện trong tình trạng da dát đỏ, khô nhiều, vảy tiết, nứt da vùng đầu.