Ngày 7/12, Bác sĩ Hoàng Văn Quỳnh, Khoa Ngoại chuyên khoa, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, cho biết sản phụ sinh con lần thứ hai, vỡ ối ở tuần 36.

Bé gái chào đời khóc yếu, tím tái, thở rên, được hồi sức, thở oxy ngay tại phòng mổ, sau đó chuyển chăm sóc tích cực tại Khoa sơ sinh. Bác sĩ chẩn đoán trẻ suy hô hấp, tắc ruột bẩm sinh, nhiễm khuẩn nặng nề, cần mổ gấp để bảo toàn tính mạng.

"Tuy nhiên, trẻ non tháng, cân nặng thấp, chức năng hô hấp tuần hoàn chưa hoàn chỉnh, can thiệp rất khó khăn", bác sĩ nói.

Qua hội chẩn, ê kíp quyết định phẫu thuật để thông suốt đoạn ruột tắc, tránh xoắn hay hoại tử ruột, đồng thời loại bỏ hết dịch phân, gỡ dính toàn bộ các quai hồi tràng.

Sau 22 ngày điều trị, trẻ được cai máy, ghép mẹ và xuất viện.

318742902-5968008523243801-739-7738-6468-1670402300.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RAg1z0MaN8hWmKUvVpb9Jw

Các bác sĩ can thiệp thông tắc ruột cho trẻ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tắc ruột ở trẻ sơ sinh là dị tật bẩm sinh trong quá trình hình thành ruột, có tỷ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Bác sĩ khuyến cáo mẹ bầu cần thăm khám và theo dõi thai kỳ chặt chẽ để phát hiện sớm bất thường, kịp thời xử lý.

Trẻ bị tắc ruột cần cấp cứu để tránh tình trạng nôn quá nhiều gây mất nước, chất điện giải và ngăn ngừa nhiễm trùng có thể xảy ra khi một phần ruột bị hoại tử do thiếu máu.

Minh An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022