Ngày 15/11, TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng Khoa Thận Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bệnh nhi được bệnh viện địa phương chuyển đến với chẩn đoán mắc đái tháo đường type 1, nhiễm toan ceton. Đây là biến chứng nghiêm trọng của đái tháo đường, xảy ra khi cơ thể sản sinh quá nhiều acid trong máu, còn gọi là ceton.

Bệnh nhi bắt buộc phải sử dụng insulin lâu dài bởi tế bào tiết insulin đã bị phá hủy, kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp. Những cách trên giúp đường huyết của trẻ ổn định.

Ước tính khoảng 2.000 trẻ em Việt mắc đái tháo đường type 1, xu hướng ngày càng tăng. Bệnh xảy ra do hệ thống miễn dịch bị rối loạn, khiến tế bào tuỵ bị phá hủy, dẫn đến việc giảm tiết insulin - hormone giúp hạ đường huyết. Việc rối loạn miễn dịch xảy ra thường do cơ địa đặc biệt của trẻ, dưới sự tác động của các tác nhân bên ngoài môi trường như độc chất, nhiễm trùng, nhiễm siêu vi... làm khởi phát đái tháo đường.

Khoảng 5 năm trước, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận khoảng 40-50 ca mắc mới đái tháo đường một năm. Đến năm ngoái, nơi này ghi nhận hơn 100 ca mắc. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, ngay cả trẻ sơ sinh. Trong đó, hai nhóm tuổi khởi phát bệnh thường gặp nhất là 5-7 tuổi và giai đoạn dậy thì 12-15 tuổi.

Theo bác sĩ Quỳnh, triệu chứng khởi phát của đái tháo đường thường là uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân. Tuy nhiên, không ít trẻ phát hiện bệnh khi đã biến chứng nhiễm toan ceton hoặc tăng áp lực thẩm thấu máu, vào viện với một số biểu hiện như thở nhanh, đau bụng, nôn ói, lơ mơ, rối loạn tri giác..., dễ bị chẩn đoán nhầm bệnh khác. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, biến chứng này có thể khiến trẻ tử vong nhanh.

"Với trường hợp này, người nhà cho biết bé uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân trong vài tuần trước đó nhưng gia đình không biết bệnh, đến lúc vào viện vì biến chứng thở nhanh lại bị tưởng nhầm viêm phổi", bác sĩ nói.

Trẻ mắc đái tháo đường phải tuân thủ điều trị lâu dài theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc. Không quản lý tốt bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng lâu dài ở các cơ quan khác của cơ thể như suy thận, bong võng mạc gây mù, loét bàn chân, hoại tử chân phải đoạn chi, đột quỵ, nhồi máu cơ tim...

233A3206-1145-1731635393.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=elJeXEoCh7JMrzX_LgqF6g

Tiêm thuốc điều trị bệnh tại bệnh viện ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022