Ngày 30/10, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết trẻ nhập viện trong tình trạng nổi ban xuất huyết hai chân, đau bụng, đau khớp cổ tay, cổ chân. Kết quả chẩn đoán viêm mao mạch dị ứng biến chứng tổn thương thận, viêm khớp.

Các bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng viêm corticoid toàn thân để các ban xuất huyết giảm dần, bé hết đau bụng, phù chân, đau khớp cổ chân. Hiện, bệnh nhi tiếp tục được theo dõi.

397241091-846098280857125-7397-2291-7080-1698663479.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PcZINdPXhMcxDwILdEjoDA

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho trẻ mỗi ngày. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ban xuất huyết Henoch Schonlein là bệnh viêm mạch máu nhỏ hệ thống, hiếm gặp, tỷ lệ khoảng 20/100.000 trẻ dưới 17 tuổi, từ 4 đến 6 tuổi là 70/100.000, nam gặp nhiều hơn nữ.

Bệnh phổ biến nhất vào mùa đông và mùa xuân, dễ gây nhầm lẫn với bệnh ngoài da nên rất nguy hiểm nếu tự điều trị tại nhà. Các triệu chứng của bệnh bao gồm xuất huyết ở vùng thấp của chi cẳng chân, cẳng tay hai bên, đối xứng, viêm khớp, đau bụng, và tổn thương thận. Ban xuất huyết ban đầu có thể là ban đỏ mịn hoặc phát ban dạng mày đay thường biến mất trong vòng 24 giờ. Hình ảnh ban tổn thương có thể xuất hiện như là ban sẩn, tổn thương hoại tử, hoặc vết thâm tím.

Khớp bị ảnh hưởng nhiều nhất là khớp gối, cổ chân. Viêm khớp thường là viêm bao hoạt dịch, tổn thương khu trú, không hủy hoại khớp. Nhiều trường hợp bị xuất huyết tiêu hóa, lồng ruột, đau bụng, viêm cầu thận cấp, suy thận, viêm tinh hoàn, xoắn thừng tinh...

Bệnh có thể có nguy cơ tái phát và để lại các biến chứng như hội chứng thận hư hoặc viêm cầu thận, hiếm khi bị suy thận. Phần lớn trẻ em mắc bệnh thận trong vòng 6 tuần đầu và 97% trong vòng 6 tháng. Nguy cơ suy thận mãn tính và giai đoạn cuối của bệnh thận tương ứng là 2-15% và dưới 1%.

Khi nghi ngờ bị ban xuất huyết Henoch Schonlein, người bệnh phải nhập viện điều trị, tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Thùy An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022