Ngày 3/8, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nôn ọe nhiều, tăng tiết đờm dãi, chụp X-quang phát hiện dị vật ở cổ.
Theo bác sĩ Dũng, đây là cấp cứu khẩn cấp, bệnh nhi được chuyển lên khoa gây mê để lấy dị vật. Viên pin cúc áo đường kính hai cm, phủ dịch rỉ nâu đen. Lúc này, thực quản có hiện tượng viêm, hoại tử niêm mạc.
Hơn một tuần điều trị, tổn thương của người bệnh còn rất nặng nề, tiếp tục theo dõi đặc biệt.
Viên pin mắc kẹt trong thực quản người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Pin kẹt lại ở thực quản là một cấp cứu khẩn cấp, có thể gây biến chứng nặng nề như loét, hoại tử, thủng, tổn thương các mạch máu thực quản. "Pin cúc áo gây tổn thương nhanh và nặng do khi nằm lại ở thực quản vẫn còn hoạt động, dẫn tới bỏng", bác sĩ nói.
Ngoài ra, thực quản có thể bị tổn thương do nhiễm độc kim loại và các hóa chất khác rò rỉ ra từ viên pin. Mức độ tổn thương phụ thuộc vào kích thước, độ mới và thời gian gắp được dị vật.
Những viên pin cúc áo có hình dạng như chiếc đĩa bạc dẹt, được tìm thấy trong các vật dụng phổ biến như điều khiển từ xa, nhiệt kế, máy đo đường, cân, bàn phím, nến không lửa, đồng hồ, đồ chơi...
Bác sĩ khuyến cáo gia đình nên để mắt đến trẻ, không để trẻ nuốt dị vật. Không cho trẻ cầm chơi, ngậm pin hay các thiết bị điện tử có sử dụng pin. Kiểm tra các đồ dùng hoạt động bằng pin, đảm bảo nằm ngoài tầm với của trẻ.
Khi phát hiện trẻ nuốt viên pin cần nhanh chóng đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế để được xử trí sớm, tránh các di chứng đáng tiếc.
Minh An