Ca bệnh được PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, chia sẻ tại hội thảo về đột quỵ, ngày 20/4.

Bệnh nhân không có tiền sử gì trước đó. Khi xảy ra triệu chứng bất thường, gia đình nghi ngờ đột quỵ, đưa vào trung tâm y tế huyện, cách nhà khoảng 2 km. Đơn vị chuyển bệnh nhân đến bệnh viện đa khoa tỉnh sau vài tiếng theo dõi, cách đó hơn 5 km. Bệnh viện này không có đơn vị điều trị đột quỵ, chụp CT Scan chẩn đoán bệnh và chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115, khi đã gần giờ thứ 24.

Các bác sĩ ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo cho bệnh nhân đột quỵ quá thời gian vàng 6 giờ, để phân tích hình ảnh MRI não. Kết quả, vùng nhu mô não đã chết quá nhiều, không thể can thiệp gì thêm, chỉ có thể điều trị tích cực để phòng tái phát và giảm tổn thương não. Hiện, bệnh nhân có thể đi lại được, nhưng bàn tay không thể nắm chặt.

"Nếu người bệnh được đến đúng nơi ngay từ đầu có thể đã khác, cơ hội hồi phục hoàn toàn là rất cao", bác sĩ nói, thêm rằng trong cấp cứu đột quỵ, đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất nhưng không có khả năng điều trị là một điều sai lầm.

Các thống kê tại Việt Nam ghi nhận, 80% bệnh nhân đột quỵ không được điều trị do đến bệnh viện quá cửa sổ 4,5 giờ đầu, như trường hợp của thiếu nữ trên. Thời gian từ khi khởi phát triệu chứng đến khi được đưa đến viện còn quá dài. Trong khi đó, đột quỵ ở Việt Nam đang dần trẻ hóa, nhiều người còn đang độ tuổi lao động, sau cơn đột quỵ không thể quay trở lại công việc, tạo gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.

bs-nguye-n-huy-tha-ng-17451382-4423-7368-1745138388.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SJstZ6Li6OcomlcU6C9efw

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng tại hội thảo ngày 20/4. Ảnh: Duy Anh

Ước tính, một trong 4 người trưởng thành trên 25 tuổi có nguy cơ mắc đột quỵ trong đời. Khoảng 90% các bệnh nhân đột quỵ đều có yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, rung nhĩ, béo phì, hút thuốc lá, uống rượu bia... Để phòng ngừa đột quỵ, cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, việc tuân thủ điều trị ở Việt Nam rất hạn chế, đáng báo động. Đa số bệnh nhân có những yếu tố nguy cơ trên đều cảm thấy khỏe mạnh nên lơ là điều trị, rất ít người uống thuốc lâu dài theo chỉ định bác sĩ.

Những điều này góp phần khiến gánh nặng đột quỵ tại Việt Nam cao hơn hai lần trung bình toàn cầu và cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á. So với các nước có nền kinh tế tương đương thì Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ tử vong cao nhất. So với Nhật Bản, Singapore, tỷ lệ tử vong do đột quỵ của nước ta gấp 3 lần.

Số nơi điều trị đột quỵ tại Việt Nam rất ít. Kể từ đơn vị điều trị đầu tiên chuyên về đột quỵ thành lập tại Bệnh viện Nhân dân 115 năm 2005, đến nay cả nước có 130 cơ sở, phần lớn tập trung tại những thành phố lớn. Khá nhiều tỉnh thành đến nay chưa có cơ sở điều trị. Điều này khiến nhiều bệnh nhân từ các tỉnh phải mất vài giờ, vài chục giờ mới có thể tiếp cận được trung tâm đột quỵ gần nhất.

Lãnh đạo Hội Đột quỵ Việt Nam nhìn nhận việc tổ chức mạng lưới các đơn vị đột quỵ, đưa ra quy trình chuyển viện đi đâu về đâu sẽ làm giảm tối đa hậu quả gây ra của bệnh đột quỵ. Cần có phối hợp, hỗ trợ của Bộ Y tế, Sở Y tế địa phương để có thể giúp điều trị đột quỵ đạt hiệu quả tối đa. Ngoài ra, việc điều trị phục hồi chức năng sau đột quỵ cần được đầu tư hơn nữa, giúp bệnh nhân tăng cơ hội hồi phục, giảm tỷ lệ tàn phế sau khi xảy ra biến cố.

Theo TS.BS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, một trong những thách thức lớn hiện nay là rút ngắn thời gian người bệnh đến với các trung tâm điều trị đột quỵ, cách nhận biết căn bệnh đột quỵ. Trên cả nước, mạng lưới điều trị vẫn còn thiếu và cần tiếp tục mở rộng cả về địa lý lẫn quy trình vận hành. Cơ quan chức năng đang xây dựng chương trình y tế mục tiêu quốc gia, trong đó có phát triển mạng lưới y tế cơ sở, tăng cường tầm soát đột quỵ để can thiệp sớm.

Đề án cấp cứu ngoại viện đang được thí điểm tại một số địa phương để phát triển thêm và mạng lưới đột quỵ ngoại viện sẽ giúp tiết kiệm được thời gian vàng điều trị. Ngoài ra, áp dụng trí tuệ nhân tạo cũng hỗ trợ chẩn đoán sớm các tổn thương và ra quyết định điều trị kịp thời.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022