Với chiều cao 1,58 m, nặng 65 kg, Ngọc, ở Tây Hồ, Hà Nội, từng quyết tâm ăn Tết "healthy" để giữ dáng. Nhưng tâm lý "mỗi năm chỉ có một cái Tết" khiến người phụ nữ không thể kiểm soát bản thân.
Trong những ngày Tết, mâm cỗ nhà Ngọc luôn đầy đủ bánh chưng, giò chả, xôi, thịt gà, thịt bò. Khi thức ăn thừa, chị lại cố ăn vì sợ lãng phí. "Nghĩ cũng sợ béo, nhưng thôi, có tăng cân thì ra Tết giảm", chị tự nhủ. Tuy nhiên, chỉ sau kỳ nghỉ, Ngọc tăng 3 kg, cơ thể ì ạch, mệt mỏi dù đã cố gắng uống men tiêu hóa, ăn rau xanh và sữa chua.
Minh, 22 tuổi, ở Đống Đa, cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trong kỳ nghỉ, anh ăn 3-4 miếng bánh chưng rán mỗi ngày, kèm dưa muối, giò chả, thịt gà. Từ mồng 1 đến mồng 4, Minh liên tục tụ tập bạn bè, ăn lẩu, uống nước ngọt, và gần như không đụng đến rau xanh. "Tăng vài cân rồi ra Tết tập bù", anh nghĩ. Nhưng khi bước lên cân, Minh nhận ra mình đã tăng 4 kg chỉ trong vài ngày.
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, tâm lý "ăn Tết thả ga" khiến nhiều người ăn uống không kiểm soát. Tình trạng này thường kéo dài từ các bữa tiệc tất niên trước Tết, xuyên suốt kỳ nghỉ, thậm chí đến rằm tháng Giêng. Chỉ cần mỗi ngày nạp thêm 700-800 kcal - tương đương một bát phở, hai miếng bánh chưng hoặc một đến hai lon bia - bạn có thể tăng từ 2-3 kg sau kỳ nghỉ.
PGS.TS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cũng nhận định việc tăng cân sau Tết là hiện tượng phổ biến. Ngày Tết, mọi người thường ăn nhiều thực phẩm giàu năng lượng, uống rượu bia, đồ ngọt, nhưng lại ít vận động. Sự chênh lệch giữa lượng calo nạp vào và tiêu hao khiến cân nặng tăng nhanh chóng.
Do thói quen ăn uống vô tội vạ ngày Tết, nhiều người bị tăng cân nhanh, rối loạn tiêu hóa. Ảnh: Phương Anh
Các món ăn truyền thống ngày Tết thường chứa lượng calo cao. Một chiếc bánh chưng vuông cỡ vừa (khoảng 1.500 calo) khi chia thành 8 miếng, mỗi miếng cung cấp 204 calo - tương đương một bát cơm trắng. Một đĩa xôi gấc 100 g chứa tới 600 calo, trong khi xôi lạc là 400 calo. Một bát xôi nhỏ (khoảng 130 calo) đã bằng 1/3 bát phở.
Thịt nấu đông, nem rán cũng là những món ăn giàu năng lượng. 100 g thịt đông chứa 297 calo và 21,5 g chất béo. Một đĩa nem rán 10 cái có thể cung cấp tới 1.200 calo. Những món ăn này, khi kết hợp với chế độ ăn thiếu rau xanh và ít vận động, dễ dàng dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì.
Việc ăn uống không kiểm soát không chỉ khiến cân nặng tăng nhanh mà còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Theo các chuyên gia, chế độ ăn giàu đạm, chất béo và thiếu chất xơ có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, táo bón hoặc tiêu chảy. Đối với những người mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường, việc ăn uống không lành mạnh trong dịp Tết có thể làm bệnh trầm trọng hơn, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Ngoài ra, thói quen ăn uống dư thừa năng lượng còn gây áp lực lên gan, thận, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa. Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra rằng, thừa cân béo phì là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra các bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư.
Để giữ sức khỏe và tránh tăng cân, các chuyên gia khuyến nghị áp dụng chế độ ăn uống cân đối như ưu tiên rau xanh, trái cây, uống nhiều nước và bổ sung sữa chua. Hạn chế thịt đỏ, đồ chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn và đồ ngọt. Đặc biệt, không nên ăn thức ăn thừa quá nhiều ngày, như bánh chưng, nem rán hay canh măng.
Duy trì thói quen vận động nhẹ nhàng, như đi bộ, tập yoga hoặc các bài tập thể dục tại nhà, để tiêu hao năng lượng dư thừa. Ngủ đủ giấc cũng là yếu tố quan trọng giúp cơ thể phục hồi và duy trì cân nặng ổn định.
Không nên giảm cân cấp tốc sau Tết bằng cách nhịn ăn hoặc sử dụng thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc. Những phương pháp này không chỉ gây hại sức khỏe mà còn tiềm ẩn nguy cơ rối loạn chuyển hóa, suy nhược cơ thể.
Thùy An