Sean Farnan, bác sĩ chuyên khoa tại Phòng khám Bàn chân Hongkong, cho biết bàn chân là bộ phận cách xa tim, song lại tiết lộ nhiều điều về sức khỏe tim mạch cũng như quá trình tuần hoàn máu của cơ thể. Một số vấn đề tim và mạch máu có thể xuất hiện ở bàn chân trước tiên.
Theo bác sĩ David Lo Ka-yip, chuyên gia tư vấn nội trú về tim mạch tại Bệnh viện Cơ Đốc Phục Lâm Hồng Kong, triệu chứng nổi bật nhất là sưng tấy cẳng chân và bàn chân.
"Phù nề xảy ra do chất lỏng tích tụ trong các mô của cơ thể. Phù nề có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào, song thường xuất hiện ở bàn chân nhiều hơn", bác sĩ Lo Ka-yip nói.
Nguyên nhân phổ biến gây phù nề ở chân là suy tim sung huyết, khiến một hoặc cả hai buồng dưới của tim bơm máu kém hiệu quả. Máu từ đó ứ lại ở cẳng chân, mắt cá và bàn chân, gây sưng tấy.
Theo Farnan, một số vấn đề khác ở bàn chân có thể báo hiệu tình trạng sức khỏe tim mạch. Đầu tiên là bàn chân lạnh. Thông thường, nhiệt độ da giảm dần từ bắp chân đến bàn chân. Tuy nhiên, hiện tượng đột ngột lạnh buốt ở chân có thể là dấu hiệu tắc nghẽn động mạch. Nếu bàn chân luôn lạnh dù đã giữ đủ ấm cơ thể, bạn nên đi khám bác sĩ để phòng ngừa các loại bệnh nghiêm trọng.
Các triệu chứng ở đôi chân có thể báo hiệu bệnh tim mạch. Ảnh: Freepik
Bên cạnh đó, móng chân mọc chậm hơn bình thường có nghĩa bàn chân không được cung cấp đủ máu. Tình trạng máu giảm dần ở độ tuổi cao tương đối bình thường, nhưng những thay đổi quá nhanh chóng là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang gặp vấn đề, cần đi khám bác sĩ. Nếu một phần động mạch bơm máu đến bàn chân bị tắc nghẽn, móng chân sẽ không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, từ đó khó phát triển.
Dấu hiệu cảnh báo khác là màu da bàn chân thay đổi. Vùng da phía dưới nhợt nhạt hơn bên trên có thể là triệu chứng của tình trạng giảm lưu lượng máu đến tứ chi, còn gọi là "giảm tưới máu động mạch", bác sĩ Farnan cho biết.
Đau chân hoặc chuột rút, đặc biệt khi nằm có thể là dấu hiệu của bệnh động mạch ngoại biên - mảng bám tích tụ trong động mạch làm hạn chế lưu lượng máu đến các chi và các cơ quan. Triệu chứng khác, nghiêm trọng hơn của bệnh này là "khập khiễng cách hồi" - đau, nhức sâu và chuột rút ở chân, chỉ xuất hiện khi tập thể dục và nhanh chóng giảm bớt khi bạn dừng lại.
Các chuyên gia khuyến nghị tham khảo ý kiến bác sĩ càng sớm càng tốt, trước khi có biểu hiện nặng hơn. Người có tiền sử bệnh tim mạch cũng cần giữ ấm, chăm sóc đôi chân để kiểm soát tình trạng này. Bác sĩ Farnan khuyến nghị giảm lượng muối ăn hàng ngày để giảm bớt chứng phù nề. Phương pháp khác nhằm chống sưng tấy là kê một chiếc gối dưới chân khi nằm.
"Khi bạn bị suy tim, tim bơm máu kém hơn, nghĩa là nó không thể đẩy máu ra các tính mạch ở xa dễ dàng như trước. Bạn có thể ‘hỗ trợ trái tim’ bằng cách nâng cao bàn chân và cẳng chân ngay khi nhận thấy chúng bắt đầu sưng tấy", Lo nói.
Thục Linh (Theo SCMP)