PGS.TS Vũ Văn Khiên, Tổng Thư ký Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam, cho biết như trên tại tọa đàm Chiến lược sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng tại Việt Nam, do Báo Nhân Dân phối hợp với Viện Công nghệ Phacogen tổ chức ngày 11/5. Chương trình nhằm chia sẻ về vai trò của các phương pháp sàng lọc, chẩn đoán, điều trị hiện đại và định hướng chiến lược nhằm kiểm soát hiệu quả căn bệnh này tại Việt Nam.

1-1746949644-1746949692-2042-1746949833.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=K31JiuHJqXaodv_oXmZ5uA

PGS.TS Vũ Văn Khiên, Tổng Thư ký Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam, chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Thành Đạt

Theo số liệu của Globocan năm 2022, mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 16.800 ca mắc mới ung thư đại trực tràng, chiếm gần 10% tổng số ca ung thư, với hơn 8.400 trường hợp tử vong. Căn bệnh này đứng thứ tư về tỷ lệ mắc và thứ năm về tỷ lệ tử vong trong các loại ung thư phổ biến tại nước ta. Đáng lưu ý, tỷ lệ bệnh nhân dưới 50 tuổi được chẩn đoán ung thư đại trực tràng đã tăng 45% kể từ năm 1995, cho thấy xu hướng trẻ hóa rõ rệt.

PGS Khiên chia sẻ trước đây ung thư đại trực tràng chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi, nhưng nay, không ít bệnh nhân chỉ mới ở độ tuổi 30-40, thậm chí 20. Ông nhận định, thói quen ăn uống nhiều đồ chế biến sẵn, thiếu rau xanh, ít vận động và áp lực cuộc sống kéo dài đã trở thành yếu tố kích hoạt khiến bệnh phát triển sớm và nhanh hơn.

Căn bệnh này thường tiến triển âm thầm, gần như không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Đa số bệnh nhân chỉ phát hiện bệnh khi xuất hiện các biểu hiện như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài ra máu – lúc đó, tổn thương đã ở giai đoạn tiến triển. Thực tế, nhiều ca ung thư được phát hiện tình cờ qua sinh thiết trong nội soi tầm soát khi bệnh nhân hoàn toàn không nhận biết bất kỳ bất thường nào.

Ở nhóm bệnh nhân trẻ, ung thư đại trực tràng thường diễn tiến nhanh, khó kiểm soát và ít biểu hiện sớm, khiến việc phát hiện càng khó khăn hơn. Nguyên nhân có thể là yếu tố di truyền kết hợp lối sống chưa hợp lý như lạm dụng thức ăn giàu chất béo, hút thuốc lá, thừa cân. Trong khi đó, người lớn tuổi mắc bệnh thường có tiến trình chậm hơn nhưng hay bị che mờ triệu chứng do các bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường.

PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, 30% số bệnh nhân đến khám đã ở giai đoạn muộn, khi ung thư đã di căn. Ở giai đoạn đầu, nhờ phát hiện sớm và cắt bỏ khối u qua nội soi, cơ hội chữa khỏi hoàn toàn là rất cao. Tuy nhiên, khi bệnh đã nặng, mục tiêu điều trị chủ yếu là kéo dài sự sống, kiểm soát triệu chứng, nâng cao chất lượng sống và giảm đau với các phương pháp chăm sóc giảm nhẹ.

Dù vậy, nhờ những tiến bộ trong điều trị, đặc biệt là cá thể hóa liệu trình cho từng người bệnh, tỷ lệ sống thêm 5 năm của bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn đã tăng từ 6-12 tháng lên 30-40% trong thập kỷ qua.

Anh-chup-Man-hinh-2025-05-11-l-8731-9170-1746949833.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VxsKS93arHJmd5wrWcrn2w

Bệnh nhân nội soi dạ dày, đại tràng tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Lê Nga

Các chuyên gia nhìn nhận phát hiện sớm ở bất kỳ độ tuổi nào vẫn là chìa khóa để thay đổi cục diện. Các tổ chức y tế khuyến nghị những người từ 45 tuổi trở lên nên bắt đầu sàng lọc ung thư đại trực tràng, đặc biệt là những người có tiền sử gia đình mắc bệnh hoặc có các triệu chứng nghi ngờ. Với những người có nguy cơ cao, chẳng hạn như người mắc bệnh viêm ruột mãn tính hoặc béo phì, có thể cân nhắc sàng lọc sớm hơn.

Hiện nay, các phương pháp tầm soát và phát hiện sớm ung thư đại trực tràng chủ yếu bao gồm nội soi đại tràng, xét nghiệm máu ẩn trong phân, xét nghiệm DNA đa mục tiêu trong phân và sinh thiết mô nghi ngờ. Các chuyên gia cũng đề xuất bảo hiểm y tế chi trả cho sàng lọc này vì việc phòng bệnh, chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm sẽ chỉ mất chi phí điều trị thấp mà hiệu quả điều trị cao.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022