Tình trạng đột quỵ khi chơi thể thao chủ yếu ở nhóm người bệnh có vấn đề về huyết áp, bệnh lý tim mạch, hoạt động quá sức khiến bệnh lý tái phát và dẫn đến đột quỵ.
Đột quỵ não có hai thể là nhồi máu não và xuất huyết não. Nhồi máu não là một dạng của tai biến mạch máu não, xảy ra khi mạch máu bị tắc, nghẽn làm cho não không được cung cấp máu, dẫn đến các chứng đột quỵ và có thể tử vong. Xuất huyết não xảy ra khi mạch máu não bị vỡ, máu đột ngột xâm lấn vào não, làm tổn thương não.
Chẳng hạn như khi đá bóng, nhịp tim thay đổi, đập nhanh hơn, nếu không kiểm soát tốt sẽ khiến huyết áp tăng nhanh, xuất hiện các cơn thiếu máu lên não. Có thể sau vài phút người bệnh sẽ trở lại trạng thái bình thường nhưng đây chính là dấu hiệu dự báo cơn đột quỵ nguy hiểm sắp xảy ra.
Tình trạng đột quỵ khi chơi thể thao chủ yếu ở nhóm người bệnh có bệnh nền. (Ảnh minh hoạ)
Khoảng 80% các trường hợp đột quỵ khi chơi thể thao là người bệnh lý tim mạch từ trước. Nhiều người biết trước bệnh nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ, song có người có bệnh lý nhưng chưa phát hiện vì không đi khám, hoặc khám nhưng không đúng chuyên khoa nên không được phát hiện.
Trước đây đột quỵ thường xảy ra với người cao tuổi và người trung niên, người từ 50 tuổi trở lên, còn gần đây tỷ lệ đột quỵ gia tăng ở cả người trẻ. Nhiều nguyên nhân như dị dạng mạch máu não, bệnh lý mãn tính không lây (tăng huyết áp, tiểu đường), thói quen về sinh hoạt, ăn uống, vận động có thể tăng nguy cơ đột quỵ như hút thuốc lá, ăn uống thiếu lành mạnh; thói quen ít vận động, di chuyển đi lại.
Ăn 6 bữa một ngày, nam kỹ sư 46 tuổi bị đột quỵ, bác sĩ nói nguyên nhân ăn nhiều không phải do đói
Để ngăn ngừa đột quỵ não, người bệnh nên kiểm soát tốt các bệnh lý nền, nhất là tăng huyết áp. Cần thay đổi chế độ ăn uống để kiểm soát huyết áp như hạn chế muối hoặc natri, bia rượu, thuốc lá, cà phê, trà, nước ngọt, chất béo bão hòa. Tăng cường rau củ quả, vận động thường xuyên.
Với các yếu tố nguy cơ không thể tự nhận biết như dị dạng mạch máu não, phình mạch máu não, u não, mọi người nên khám sức khỏe định kỳ, chủ động tầm soát đột quỵ. Các chỉ định như chụp CT, MRI sọ não, chụp mạch máu DSA có thể phát hiện sớm các bất thường ở não, từ đó can thiệp kịp thời.
Trước khi tập bất kỳ môn thể thao nào, chúng ta đều phải kiểm tra thể lực. Chúng ta có thể đến gặp bác sĩ thể thao hoặc huấn luyện viên thể lực để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý gì tiềm tàng không như bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp. Nếu có vấn đề gì bất thường, người dân được tư vấn chọn môn tập và chọn lượng vận động phù hợp, nếu không có thể xuất hiện các bệnh lý, tai biến.
Nhận diện sớm các dấu hiệu đột quỵ qua quy tắc "BE FAST".
B (Balance - thăng bằng): Diễn tả triệu chứng khi bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.
E (Eyesight - thị lực): Thể hiện việc bệnh nhân bị mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của một hoặc cả hai mắt.
F (Face - khuôn mặt): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.
A (Arm - cánh tay): Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt một bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ hai tay lên và giữ lại cùng một lúc.
S (Speech - giọng nói): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.
T (Time - thời gian): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.