Số bệnh nhân đến viện tăng gấp đôi mỗi ngày, khiến cô và các đồng nghiệp căng mình làm việc.

"Lượng bệnh nhân tăng, chi phí sinh hoạt cũng vậy, nhưng lương của tôi không đổi trong khi áp lực công việc đè nặng. Đây không phải nơi lý tưởng để làm việc", Fah nói.

Cô cho biết tuyển dụng thêm nhân lực không khả thi. Những y tá mới ra trường nghỉ việc sau vài năm ngắn ngủi vì tìm thấy vị trí tương đương với mức lương cao hơn ở các bệnh viện tư.

Câu chuyện của Fah không hiếm, nó phản ánh cuộc khủng hoảng y tế rộng lớn hơn tại Đông Nam Á. Khu vực vật lộn trong tình trạng già hóa dân số và hậu quả dai dẳng từ đại dịch. Hệ thống bệnh viện công đang chịu áp lực từ việc điều trị chậm trễ và nhu cầu của bệnh nhân ngày càng tăng.

2bca9965-eacd-443b-ae6a-b96e31-5139-1407-1731430511.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2V4vEEODl01-du5kV3WACQ

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, tháng 10/2024 . Ảnh: Malaysia’s Department of Information

Bất bình đẳng y tế

Các bệnh nhân giàu có sẽ tìm đến bệnh viện tư, hoặc trả thêm tiền để được ưu tiên khám sớm ở các cơ sở công lập. Điều này làm dấy lên lo ngại tình trạng tư nhân hóa dần len lỏi, trong khi các cơ sở nhà nước quá tải và thiếu kinh phí để duy trì hoạt động. Hậu quả của tình trạng này đè nặng lên dân nghèo - những người đang vật lộn với sinh hoạt tối thiểu.

Trên khắp Đông Nam Á, Bộ Y tế các nước lặp lại điệp khúc quen thuộc: "Bảo vệ hệ thống chăm sóc sức khỏe là nhu cầu cấp thiết trong tương lai, khi quốc gia đối mặt với những thách thức ngày càng tăng". Các phòng khám, bệnh viện tư, công ty bảo hiểm sẵn sàng tận dụng cơ hội vàng này.

Theo báo cáo gần đây của tập đoàn Y tế DKSH Healthcare và công ty phân tích thị trường FrontierView, mức chi cho chăm sóc sức khỏe trong khu vực dự kiến tăng 68% trong 5 năm tới, con số vượt xa hầu hết thị trường phát triển và đang phát triển.

Bijay Singh, người đứng đầu bộ phận kinh doanh toàn cầu của DKSH Healthcare nhận định, các hạn chế về ngân sách đang "cản trở dịch vụ y tế chất lượng".

Tình trạng này khiến lựa chọn điều trị cho con cái của các bậc cha mẹ người Malaysia như Mila Aziz càng thu hẹp. Dù sống gần một bệnh viện công của chính phủ, cô vẫn phải đưa con trai 11 tuổi, mắc chứng tự kỷ đến khám tại viện tư. Cô cho biết, nếu khám ở viện công, con cô sẽ phải đợi từ 6 đến 12 tháng.

Tại khu vực nông thôn hoặc vùng ven thủ đô, thời gian chờ của bệnh nhân thậm chí lâu hơn nữa. Các dịch vụ chữa bệnh tim mạch, ung thư và kiểm tra sức khỏe phụ nữ tập trung ở vùng đô thị như Kuala Lumpur, tạo ra khoảng trống đáng kể trong y tế.

Bang Pahang của Malaysia có diện tích tương đương Đài Loan, nhưng địa hình nhiều đồi núi, rừng rậm. Một bác sĩ tại bệnh viện công kể lại, nữ bệnh nhân ung thư của ông không thể xạ trị vì không đủ khả năng chi trả cho chuyến đi đến Kuala Lumpur, cách đó 600 km.

"Các bệnh viện ở Kuantan (thủ phủ bang Pahang) chỉ cung cấp liệu pháp hóa trị. Bệnh nhân muốn xạ trị phải lên Kuala Lumpur. Bệnh nhân này vừa phẫu thuật, chỉ đủ tiền để đi khám ba tháng một lần và không thể làm gì thêm", bác sĩ giấu tên kể lại.

Theo báo cáo 2024 của Tạp chí Khoa học Y khoa Malaysia, nước này đào tạo hơn 800 chuyên gia y tế hàng năm, nhưng chủ yếu tập trung ở thành thị. Bệnh nhân nông thôn bị hạn chế nghiêm trọng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế.

Bên cạnh đó, bệnh nhân Malaysia phải tự trả một phần chi phí y tế trước khi bảo hiểm có hiệu lực. Điều này làm dấy lên lo ngại, kỷ nguyên chăm sóc sức khỏe cộng đồng miễn phí, hiệu quả ở Malaysia có thể sắp kết thúc. Trong khi đó, nhu cầu của người dân ngày càng tăng.

Những thách thức về chăm sóc sức khỏe trở nên gay gắt nhất đối với các quốc gia đông dân, nơi cầu áp đảo cung. Với diện tích đảo và quần đảo lớn, Indonesia đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là thu hẹp khoảng cách chăm sóc sức khỏe cho 275 triệu công dân. Sự chênh lệch lớn, chi tiêu ngoài bảo hiểm cao, tỷ lệ mắc bệnh lao và tử vong ở sản phụ tăng đã đưa hệ thống y tế đến bờ khủng hoảng năm 2024.

Trước đại dịch, Indonesia phân bổ 113,6 nghìn tỷ rupiah (7,3 tỷ USD) cho y tế. Con số này đã tăng vọt lên 312,4 nghìn tỷ rupiah trong thời kỳ cao điểm của đại dịch vào năm 2021, giảm xuống còn 188,1 nghìn tỷ vào năm 2022. Năm nay, ngân sách y tế được đề xuất là 187,5 nghìn tỷ.

Trong bối cảnh này, việc tiếp cận dịch vụ y tế trở thành tấm gương phản chiếu tiền bạc và địa vị. Các nhà quan sát cảnh báo hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể xói mòn, phân cấp. Trong đó, các bệnh viện ít nguồn lực, với các nhân viên y tế lương thấp, phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu của người dân thuộc tầng lớp khó khăn trong xã hội.

Bác sĩ Malaysia lên tiếng về vấn đề tương tự. Họ lo ngại bệnh viện xuống cấp với những mái nhà dột nát sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc người bệnh.

Tại một bệnh viện công ở miền bắc Malaysia, bác sĩ phải dùng túi nhựa đựng mẫu bệnh phẩm do thiếu kinh phí. Họ tái sử dụng các vật tư dùng một lần như cách để xoay xở trong tình huống khó khăn.

"Tất cả bệnh viện công tại đây đều làm vậy", một người nói.

a2eb16a4-df7c-4187-a326-46837c-1955-1728-1731430510.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=E8vMb6sKr4XkGOP8ABnJiw

Y tá kiểm tra huyết áp cho một nhà sư tại một bệnh viện công ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP

Vật lộn duy trì bảo hiểm y tế công

Trong nhiều thập kỷ, chăm sóc sức khỏe toàn dân đã trở thành nền tảng an sinh xã hội của Đông Nam Á.

Tại Thái Lan, chương trình tiên phong "Bảo hiểm 30 baht" đưa ra năm 2002 hứa hẹn giúp những người khó khăn nhất tiếp cận dịch vụ y tế với mức giá phải chăng (dưới 1 USD). Tuy nhiên, khi nhu cầu tăng vọt, chính phủ đứng trước áp lực duy trì sáng kiến trong thời gian dài.

Indonesia có dân số đông nhất trong khu vực, song lượng bác sĩ trên đầu người thấp. Năm 2014, nước này ra mắt chương trình bảo hiểm y tế cấp quốc gia. 5 năm sau, giới chức ban hành luật chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Tuy nhiên, hàng chục triệu người ở cả hai quốc gia vẫn phải vật lộn với chế độ an sinh xã hội, đẩy ngân sách chăm sóc sức khỏe vào tình trạng bấp bênh.

Malaysia hiện vẫn duy trì mức phí danh nghĩa là một ringgit (23 cent) cho một lần khám ở bệnh viện công. Tuy nhiên, do lo ngại lạm phát chi phí y tế, Ngân hàng Trung ương Malaysia sắp ban hành kế hoạch đồng thanh toán trong các sản phẩm bảo hiểm y tế và sức khỏe. Các chuyên gia lo ngại điều này gây ra rủi ro cho khả năng tiếp cận cũng như chi trả của người dân nghèo. Đây là gánh nặng đối với nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt cao.

"Những khoản chi phí bổ sung như vậy có thể ngăn cản các cá nhân tìm kiếm dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết, có khả năng dẫn đến kết quả sức khỏe xấu đi và chi phí dài hạn cao hơn", bác sĩ Muhammad Yassin Ikbaal, Đại học Hồi giáo Quốc tế Malaysia (IIUM), cho hay.

Thục Linh (Theo MSN)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022