Ở nước ta, hiện có khoảng 5 triệu người đang bị suy thận , khoảng 26.000 người bị bệnh thận mạn tính , suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo và 8.000 ca mắc mới mỗi năm. Trên thực tế, tỷ lệ này ngày có xu hướng ngày càng tăng. Vậy, ai có nguy cơ mắc phải căn bệnh này?
Khi nào thì xác định một người bị mắc bệnh thận mạn tính?
Bệnh thận mạn tính được xác định là tổn thương thận kéo dài trên 3 tháng, xác định bởi các bất thường cấu trúc và chức năng thận, có hay không có giảm GFR, biểu hiện bởi các bất thường về bệnh học hay các dấu hiệu của tổn thương thận, bao gồm các bất thường trong xét nghiệm máu (BUN, creatinine), nước tiểu (albumin, hồng cầu, trụ) hay các kết quả chẩn đoán hình ảnh (bất thường cấu trúc nhu mô thận). Chỉ số GFR < 60 mL/phút/1,73 m2 da kéo dài trên 3 tháng, kèm có hoặc không có tổn thương thận.
Bệnh thận mạn tính được xác định là tổn thương thận kéo dài trên 3 tháng.
Nguyên nhân gây bệnh thận mạn tính
Bệnh thận mạn do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó phải kể đến các nguyên nhân phổ biến như:
- Mắc bệnh lý ở cầu thận như viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, hội chứng thận hư, viêm cầu thận do bệnh hệ thống…
- Tiền sử mắc bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp. Đây cũng là hai nguyên nhân phổ biến khiến thận bị tổn thương, dẫn đến suy thận mạn.
- Mắc bệnh ống kẽ thận mạn do nhiễm khuẩn hoặc không do nhiễm khuẩn.
- Nhiễm độc trong thời gian dài.
- Sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh cũng có thể gây tổn thương thận.
- Mắc bệnh thận bẩm sinh, di truyền.
- Mắc bệnh tự miễn như xơ cứng bì, lupus ban đỏ.
- Giảm lưu lượng máu cung cấp cho thận do bất cứ nguyên nhân nào, ví dụ bệnh tắc mạch động mạch thận, suy tim sung huyết…
- Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thường xuyên ăn mặn, sử dụng thuốc lá, bia rượu, chất kích thích…
Biểu hiện bệnh thận mạn tính
Bệnh thận mạn là sự suy giảm chức năng thận tiến triển kéo dài. Các triệu chứng tiến triển chậm. Trong giai đoạn tiến triển có các triệu chứng chán ăn, buồn nôn, nôn ói, viêm miệng, rối loạn vị giác, tiểu đêm, uể oải, mệt mỏi, ngứa, suy giảm về tinh thần, giật cơ và chuột rút, giữ nước, suy dinh dưỡng, bệnh thần kinh ngoại biên và co giật.
Bệnh nhân tăng huyết áp có nguy cơ cao mắc bệnh thận mạn tính.
Đối tượng nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính
Đối tượng nguy cơ bị bệnh thận mạn tính là điều lo lắng của nhiều người mắc một số bệnh liên quan. Các ghi nhận cho thấy một số người dễ phát triển bệnh thận, nếu có bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận, bệnh di truyền như thận đa nang , hội chứng Alport; nhiễm khuẩn, nghẽn tắc hay bệnh bẩm sinh đường tiết niệu..
Một số người mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống; bệnh phì đại và ung thư tuyến tiền liệt ; dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) dài hạn như ibuprofen, ketoprofen và một số thuốc kháng sinh…. Cũng dễ mắc nguy cơ bệnh thận mạn tính.
Điều đáng lo ngại bệnh thận thường không gây ra triệu chứng gì cho tới khi đã tiến triển. Vì vậy nên những ai trong diện có nguy cơ cao bị bệnh thận cần được thăm khám sức khỏe kiểm tra thường xuyên. Nhiều trường hợp nhờ chẩn đoán và điều trị sớm, sự tiến triển đến bệnh thận mạn tính chậm lại nhưng một số trường hợp chức năng thận vẫn diễn biến xấu và cuối cùng dẫn đến suy thận.
Tóm lại: Bệnh thận mạn là bệnh vô cùng nguy hiểm vì giai đoạn đầu không có biểu hiện rõ ràng, khó nhận biết. Khi phát hiện, bệnh đã ở giai đoạn nặng, chức năng thận gần như mất hoàn toàn, người bệnh phải thực hiện chạy thận nhân tạo cả đời hoặc ghép thận nếu muốn duy trì sự sống. Vì vậy, khi có các biểu hiện nghi ngờ hoặc có các biểu hiện chán ăn, ăn không ngon, mất khẩu vị, buồn nôn, nôn; Khó ngủ, mất ngủ; Mệt mỏi, suy nhược cơ thể, sụt cân không rõ nguyên nhân; Đi tiểu bất thường, nhiều hơn hoặc ít hơn thông thường; Thường hay bị chuột rút cơ bắp, sưng phù tay, chân, mắt cá chân… cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị.
Thận có 4 chức năng chính: Giữ cân bằng dịch trong cơ thể; Giữ cân bằng các chất khoáng mà cơ thể cần để duy trì hoạt động bình thường, nhất là chất kali để kiểm soát hoạt động của thần kinh và cơ, quá nhiều hay quá ít kali cũng có thể gây ra yếu cơ và vấn đề cho tim; Loại bỏ các sản phẩm giáng hóa của protein (trong thực phẩm) như urê, creatinine (tạo ra trong tiến trình vận động cơ bắp); Giải phóng một số hormon thiết yếu vào máu như renin (điều hòa huyết áp), erythropoietin (EPO) giúp tủy xương tạo hồng cầu và hoạt hóa vitamin D để hấp thụ canxi trong thức ăn nhằm tăng cường cho xương.