Người phụ nữ 43 tuổi bị suy giảm nội tiết, kinh nguyệt thưa thớt và mắc một số bệnh lý phụ khoa. Sau 2 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm (IVF), 5 lần chuyển phôi thất bại, 2 lần sảy thai, vợ chồng chị rơi vào tình trạng cạn kiệt kinh tế.

Đầu tháng 2/2024, họ tìm đến bệnh viện điều trị. Lúc này chị mãn kinh 3 tháng, xét nghiệm chỉ số dự trữ buồng trứng còn 0.01 ng/ml, siêu âm đầu chu kỳ không còn nang trứng trên cả hai buồng trứng.

"Vợ chồng tôi mong có con trong năm nay do con tuổi Rồng thông minh, hy vọng sau này đỡ lận đận", người phụ nữ hói.

Một thai kỳ trọn vẹn là 40 tuần. Đang là tháng 2 âm lịch, còn 10 tháng nữa hết năm Thìn. Như vậy, chị phải chuyển phôi vào tử cung trước tháng 5 mới kịp thụ thai, sinh con năm nay. Không còn cách nào khác, họ quyết định xin trứng để thụ tinh ống nghiệm.

Người cho có sức khỏe sinh sản tốt, chỉ số dự trữ buồng trứng AMH 3.0 ng/ml (phụ nữ dưới 38 tuổi có chỉ số AMH trung bình 2-6 ng/ml). Bác sĩ kích thích buồng trứng với phác đồ nhẹ, thu được 10 trứng trưởng thành chất lượng tốt.

Các chuyên viên phôi học lọc rửa, thụ tinh cùng tinh trùng người chồng trong phòng thí nghiệm, thu được 6 phôi chất lượng tốt. Chị thụ thai ngay lần đầu chuyển phôi.

Sau 9 năm chờ đợi, niềm vui của gia đình người phụ nữ nhân đôi khi chị có thai và sẽ sinh con trong năm Rồng. Còn 5 phôi trữ đông từ trứng hiến tặng, họ dự định vài năm nữa sinh thêm.

thu-tinh-trong-ong-nghiem-10572302-1711874111619-1711874112122511328693.jpg

Bác sĩ Ngô Đình Triệu Vỹ cùng ê-kíp thực hiện kỹ thuật chọc hút buồng trứng cho người bệnh. (Ảnh minh họa: Hoài Thương)

Theo bác sĩ Ngô Đình Triệu Vỹ, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, trẻ sinh ra từ trứng hiến tặng không có quan hệ về mặt di truyền với người mẹ. Để đảm bảo tỷ lệ thành công khi thụ tinh trong ống nghiệm, người hiến tặng trứng nên có độ tuổi 18-35, chưa từng hiến tặng trứng, không đang mang thai và cho con bú, con nhỏ nhất trên 12 tháng tuổi.

Người hiến tặng trứng không mắc các bệnh lý ở vú, buồng trứng, các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục, không có quan hệ cận huyết với chồng của người nhận trứng, bản thân và người thân không mắc các bệnh lý về tâm thần, di truyền, các bệnh lý nội khoa.

  • du-an-moi-3-17095323331851969477632.jpg

    Tưởng không thể sinh con vì rối loạn kinh nguyệt, bà mẹ 34 tuổi vỡ òa hạnh phúc đón "tin vui" sau 2 lần IVF

Để giảm nguy cơ xin trứng, vợ chồng sau kết hôn sau một năm mà chưa có con (6 tháng với phụ nữ ngoài 35 tuổi) nên đi khám toàn diện sức khỏe sinh sản, điều trị sớm. Tùy tình trạng người bệnh, bác sĩ xây dựng nhiều chiến lược như gom trứng hoặc gom phôi tích lũy nhiều chu kỳ, giúp tăng khả năng có con bằng trứng của chính mình.

Phụ nữ trẻ tuổi, đã kết hôn hoặc chưa, khi có dấu hiệu chu kỳ kinh nguyệt thưa thớt, tắt kinh, hoặc triệu chứng bất thường ở hệ thống cơ quan sinh sản, nên đi khám và có biện pháp dự phòng nếu cần thiết. Điển hình là trữ trứng bảo tồn khả năng sinh sản trước khi buồng trứng cạn kiệt.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo tỷ lệ vô sinh hiếm muộn toàn cầu ngày càng gia tăng, ước tính cứ 6 người có một người bị vô sinh. Bên cạnh các phương pháp hỗ trợ sinh sản giúp phụ nữ có con bằng trứng tự thân, chuyển phôi bằng trứng hiến tặng giúp hàng nghìn vợ chồng trên thế giới biến ước mơ có con thành hiện thực.

Theo Hiệp hội Công nghệ Sinh sản Mỹ, năm 2021, nước này có hơn 20.000 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm sử dụng trứng hiến tặng, tăng 19% so với năm trước đó. Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu và thống kê về tỷ lệ thụ tinh ống nghiệm từ trứng hiến tặng.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022