Có khoảng 10% -15% người lớn trong dân số chung có ít nhất một cơn trầm cảm nặng trong giai đoạn nào đó của cuộc sống.
Dưới đây là những biểu hiện rối loạn trầm cảm nặng cần phải được can thiệp bởi các chuyên gia y tế.
1. Mất hứng thú trong cuộc sống
Khi mắc rối loạn trầm cảm nặng đa số mọi bệnh nhân đều có biểu hiện mất hứng thú trong công việc, trong mọi sinh hoạt, quan hệ thường ngày. Đây là biểu hiện gặp trong hầu hết các bệnh nhân. Bệnh nhân hoặc người nhà cho biết là người bệnh không tha thiết với bất kì hình thức hoạt động nào mà trước đó bệnh nhân rất thích như hoạt động tình dục, sở thích, hoặc các công việc hằng ngày.
2. Cảm xúc trầm cảm
Khi mắc rối loạn trầm cảm nặng có khoảng 90% các trường hợp người bệnh than phiền mình cảm thấy buồn, chán nản, trống rỗng, vô vọng hoặc "không còn tha thiết điều gì nữa". Người khám sẽ thấy qua các thay đổi của bệnh nhân về dáng điệu, ngôn ngữ, y phục cùng với các lời kể của bệnh nhân về mình. Một số bệnh nhân nói rằng họ không thể khóc trong khi những người khác lại có những cơn khóc lóc vô cớ. Một số ít bệnh nhân không thấy có triệu chứng cảm xúc trầm cảm thường được gọi dưới tên trầm cảm ẩn.
Ở các bệnh nhân này, người chung quanh ghi nhận có tình trạng thu mình không tham ra các hoạt động xã hội và hoạt động gia đình cũng giảm. Ở trẻ em thường xuất hiện tình trạng cáu kỉnh, bực bội.
Người bệnh trầm cảm không còn tha thiết với bất kì hình thức hoạt động nào mà trước đó bệnh nhân rất thích như hoạt động tình dục, sở thích, hoặc các công việc hằng ngày.
3. Biểu hiện ăn không ngon và rối loạn giấc ngủ
Ở đa số bệnh nhân rối loạn trầm cảm nặng sẽ có biểu hiện ăn không ngon, chiếm khoảng 70% bệnh nhân có triệu chứng này và kèm theo biểu hiện sụt cân , chỉ có một số ít bệnh nhân có cảm giác thèm ăn và thường thích ăn một số thức ăn đặc biệt như đồ ngọt.
Tương tự, rối loạn giấc ngủ là vấn đề thường gặp, chiếm khoảng 80% bệnh nhân than phiền mình có một loại rối loạn nào đó của giấc ngủ loại thường gặp và gây khó chịu nhất là thức dậy sớm vào buổi sáng, thường khoảng 4 -5 giờ sáng và các triệu chứng trầm cảm ở thời điểm này là trầm trọng nhất. Ngược lại các bệnh nhân khó đi vào giấc ngủ thường kèm theo lo âu. Triệu chứng này thường kèm với chứng nghiền ngẫm lại các dữ kiện trong cuộc sống. Vài bệnh nhân lại than phiền ngủ nhiều thay vì mất ngủ và triệu chứng này thường kèm theo triệu chứng ăn nhiều.
4. Mặc cảm tự ti và ý tưởng tội lỗi
Biểu hiện này gặp hơn 50% bệnh nhân rối loạn trầm cảm nặng, họ tự đánh giá thấp bản thân, thường tự trách mình và khuyếch đại các lỗi lầm nhỏ nhặt của mình. Nặng hơn có thể đi đến hoang tưởng hoặc thậm chí có cả ảo giác. Một số bệnh nhân cảm thấy xấu hổ hoặc bẽ mặt.
5. Thiếu quyết đoán và tập trung giảm
Ở đa số rối loạn trầm cảm nặng thường có thiếu quyết đoán và không tập trung khi làm việc. Khoảng 50% bệnh nhân than phiền suy nghĩ của mình quá chậm. Họ cảm thấy không thể suy nghĩ như trước đây, có lúc họ bận rộn hoàn toàn với các ý nghĩ xuất phát từ nội tâm.
Tập trung kém và rất đãng trí, họ thường than phiền trí nhớ kém hoặc không thể tập trung để đọc báo hoặc xem ti vi. Ứng xử trở nên lúng túng do họ không thể đưa ra các quyết định. Các trường hợp nặng có thể có tình trạng sa sút giả đặc biệt là ở người già. Khác với sa sút là các triệu chứng hồi phục nếu điều trị trầm cảm.
Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc rối loạn trầm cảm cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn.
6. Biểu hiện lo âu
Phần lớn bệnh nhân rối loạn trầm cảm nặng có biểu hiện lo âu đó là triệu chứng căng thẳng nội tâm, lo sợ, đánh trống ngực, mạch nhanh, cồn cào bao tử. Thường các triệu chứng lo âu và trầm cảm đi kèm và đôi khi rất khó phân biệt bệnh nhân bị rối loạn trầm cảm hay rối loạn lo âu.
7. Rối loạn tâm thần vận động
Biểu hiện này cũng hay gặp ở bệnh nhân rối loạn trầm cảm nặng, chiếm khoảng 50% bệnh nhân trầm cảm hành vi trở nên chậm chạp, trì trệ. Ở các bệnh nhân này còn biểu lộ sự chậm chạp trong suy nghĩ, lời nói, các cử động cơ thể. Đáp ứng câu hỏi chậm, thường là hỏi một lúc mới trả lời, trả lời câu hỏi với giọng đều đều chậm và nghèo nàn, mắt nhìn xa xăm, cử động chậm chạp làm đôi khi người ta tưởng nhầm với hội chứng căng trương lực. Khoảng 75% bệnh nhân nữ và 50% bệnh nhân nam có kèm theo lo âu biểu hiện với các triệu chứng kích động tâm thần vận động như hay đi tới đi lui, không thể ngồi yên một chỗ.
8. Cạn kiệt sức lực
Biểu hiện này gặp ở hầu hết các bệnh nhân rối loạn trầm cảm nặng với các biểu hiện mệt mỏi, cảm thấy không còn sức mặc dù không làm gì nhiều, nhiều bệnh nhân mô tả cảm giác cạn kiệt sức lực. Một số bệnh nhân biểu hiện tình trạng cảm xúc và sức khỏe tồi tệ vào sáng sớm và sau đó dần khá hơn.
9. Có ý tưởng tự sát
Nhiều bệnh nhân rối loạn trầm cảm nặng cứ nghĩ đi nghĩ lại về cái chết. Từ chỉ là cảm giác chung quanh sẽ tốt hơn nếu không có mình đến việc lập ra kế hoạch tự sát. 1% bệnh nhân trầm cảm tự sát trong vòng 12 tháng kể từ khi phát bệnh, với các trường hợp tái diễn 15% chết do tự sát. Nguy cơ tự sát gặp trong tất cả các giai đoạn của bệnh nhưng cao nhất là ngay lúc mới bắt đầu điều trị và khoảng từ 6 -9 tháng sau khi các triệu chứng cơ thể đã hết.
Ngoài các triệu chứng thực vật cổ điển của trầm cảm như mất ngủ, ăn ít, mất sinh lực, giảm tình dục, hành vi kích động hoặc chậm chạp thì người bệnh rối loạn trầm cảm nặng còn có một số triệu chứng cơ thể đi kèm. Đó là đau đầu , đau lưng, chuột rút, buồn nôn, nôn, táo bón , thở nhanh, thở sâu, đau ngực. Chính các triệu chứng này làm bệnh nhân trầm cảm đến các cơ sở đa khoa thay vì tâm thần.
Một số người còn có biểu hiện của loạn thần, đó là các triệu chứng ảo giác và hoang tưởng. Các triệu chứng ảo giác và hoang tưởng có thể cùng nội dung phù hợp với trầm cảm hoặc không phù hợp với trầm cảm. Các bệnh nhân trầm cảm có biểu hiện loạn thần thường khó đáp ứng với điều trị và cũng dễ tái phát hơn.