Bản kiến nghị do 16 giáo sư và chuyên gia từ Trung tâm Y tế Seoul Asan, Bệnh viện Yeouido St. Mary thuộc Đại học Công giáo Hàn Quốc, Bệnh viện Severance và các tổ chức đưa ra từ hôm 8/3. Tính đến 2h chiều ngày 10/3, tổng cộng 5.236 người gửi chữ ký ủng hộ. Trong đó hơn 3.500 người là giáo sư và chuyên gia, 1.600 bác sĩ đa khoa và nhân viên y tế đang làm việc tại các bệnh viện.
Trong phần mục tiêu của bản kiến nghị, các giáo sư chỉ ra rằng bác sĩ nội trú, thực tập sinh rời bỏ vị trí vì thất vọng và bất lực. Họ cho rằng chính phủ đang triển khai chính sách mà không tính đến thảm họa y tế có thể xảy ra.
"Công chúng ngày càng lo lắng, dù chúng tôi đang cố gắng hết sức để đối phó, nhưng chúng tôi không biết mình cầm cự được bao lâu", kiến nghị nêu rõ.
Tuyên bố cho rằng phản ứng mạnh mẽ của chính phủ làm trầm trọng hóa tình trạng mất lòng tin vào hệ thống y tế, tạo tình huống xấu nhất là bác sĩ nội trú và thực tập sinh vĩnh viễn rời bỏ công việc. Những người đồng tình chỉ trích cách tiếp cận của chính phủ khi đưa ra chính sách y tế mới. Họ kêu gọi giới chức ngồi vào bàn đối thoại.
"Chúng tôi kêu gọi chính phủ đề xuất các biện pháp ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống chăm sóc sức khỏe thiết yếu và tại vùng nông thôn, đồng thời cho phép bác sĩ nội trú, thực tập sinh đưa ra ý kiến của chính họ", các chuyên gia cho hay.
Các nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Gwangju, tháng 2/2024. Ảnh: AFP
Theo Kim Sung-geun, giáo sư khoa phẫu thuật tại Bệnh viện Yeouido St. Mary, một trong những người đứng đầu đơn thỉnh nguyện, ông và các đồng nghiệp có ý định thu thập ý kiến của những người không có phương tiện để bày tỏ. Hầu hết người ký đơn đều sẵn sàng thảo luận về tình hình hiện tại, xem xét hướng phát triển trong tương lai.
Ủy ban khẩn cấp của Hiệp hội Giảng viên Đại học Y - Đại học Quốc gia Seoul dự kiến triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào lúc 5h chiều ngày 11/3 (giờ địa phương) để thảo luận về các hành động tập thể trước nỗ lực mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh trường y của chính phủ.
Kể từ ngày 20/2, hơn 9.000 bác sĩ y khoa, lực lượng nòng cốt chăm sóc và điều trị các bệnh nhân nguy kịch, hiện rời bệnh viện để phản đối chính sách tăng chỉ tiêu tuyển sinh các trường y. Điều này khiến Hàn Quốc đứng trước bờ cuộc khủng hoảng y tế lớn.
Những người đình công phản đối việc chính phủ đưa ra chương trình cải cách đào tạo ngành y, kêu gọi tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y thêm 2.000 người từ năm 2025. Họ cho rằng kế hoạch tăng số lượng sinh viên trường y này sẽ tác động tới chất lượng dịch vụ y tế, cũng như ảnh hưởng đến thu nhập và địa vị xã hội của họ. Thay vì tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chính phủ nên giải quyết vấn đề thu nhập và điều kiện làm việc của nhân viên y tế hiện tại.
Thục Linh (Theo Hankyoreh)