Mụn rộp herpes ở vùng môi (còn gọi là chốc mép hoặc giời leo) là một căn bệnh rất phổ biến. Bệnh do virus Herpes Simplex (HSV) gây nên. Có hai loại: HSV-1, mụn rộp miệng và HSV-2 mụn rộp sinh dục.

Người nhiễm thường không có các triệu chứng điển hình nên gây trở ngại trong việc ngăn chặn lây lan. Virus này dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua những lỗ hổng trên da hoặc dịch nhầy. Bệnh dễ tái phát và khó chữa dứt điểm, đôi khi có thể đeo bám người mắc cả đời.

WHO cho biết khoảng 3,7 tỷ người, tức là phần lớn dân số thế giới, đã bị nhiễm virus HSV-1. Dù herpes khá phổ biến, tương đối ít người biết về lịch sử của loại virus này hoặc cách nó lây lan khắp thế giới. Vì vậy, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã sàng lọc DNA từ răng của hàng trăm người cổ đại để làm rõ điều này. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances ngày 28/7.

"Sử dụng bộ gene được tái tạo này, chúng tôi có thể xác định rằng các biến chủng virus hiện đại đều có nguồn gốc từ thời điểm nào đó cuối thời kỳ đồ đá mới, đầu thời đại đồ đồng. Điều này khá ngạc nhiên vì người ta cho rằng herpes đã cùng tiến hóa với con người trong thời gian rất dài", Christiana Scheib, đồng tác giả của nghiên cứu tại Đại học Cambridge, cho biết.

kissing-1659166373-7821-1659166453.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_6_atCPAVHBcXnsH1O7unw

WHO báo cáo 3,7 tỷ người trên thế giới đã lây truyền herpes qua nụ hôn. Ảnh: AFP

Theo tiến sĩ Scheib, có khả năng virus lây lan cùng thời điểm con người biết hôn nhau một cách lãng mạn. Herpes thường được truyền từ cha mẹ sang con cái. Nụ hôn đem lại cho virus một cách hoàn toàn mới để lây truyền giữa các vật chủ.

Các chuyên gia đã tìm thấy những bằng chứng dạng văn bản để củng cố giả thuyết này. Nụ hôn sớm nhất được ghi nhận từ đến từ một bản viết tay tại Nam Á trong thời kỳ đồ đồng, cho thấy hoạt động này đã du nhập từ khu vực Âu - Á vào châu Âu.

Tiến sĩ Scheib chỉ ra rằng "hôn không phải đặc điểm chung của con người" ở thời bấy giờ. Bà cho biết rất khó để xác định thời điểm chính xác con người bắt đầu làm điều này. Khoảng 2.000 năm trước, Hoàng đế La Mã Tiberius được cho là đã cố gắng cấm hôn tại các địa điểm hành chính để ngăn chặn sự lây lan của bệnh mụn rộp.

Tiến sĩ Charlotte Houldcroft, đồng tác giả nghiên cứu cho biết virus gây mụn rộp ẩn trong cơ thể vật chủ suốt thời gian nó lây truyền qua đường miệng. Do đó, các đột biến xảy ra chậm trong nhiều thế kỷ và thiên niên kỷ.

Thục Linh (Theo AFP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022