GiadinhNet – Các chuyên gia khuyến cáo, phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc có các biến chứng nặng là do không được cấp cứu hoặc cấp cứu không đúng cách. Những thao tác đầu tiên của cấp cứu hồi sức ban đầu góp phần quan trọng trong việc cứu sống tính mạng của trẻ.
Theo các bác sĩ, trong thời kỳ mang thai, cơ thể người mẹ sẽ có những biến đổi về miễn dịch, nội tiết, mạch máu, đặc biệt là những thay đổi về da. Điều này gây ảnh hưởng nhiều tới thẩm mỹ của chị em hay nhiều người vẫn thường nói, đa phần chị em đều bị "xấu đi" khi mang thai.
Chia sẻ cụ thể về các vấn đề về da thường gặp khi mang thai, theo ThS.BS Nguyễn Thảo Nhi, Bệnh viện Da liễu Trung ương, tăng sắc tố là thay đổi về da thường gặp nhất trong thai kỳ. Tăng sắc tố là kết quả của sự tăng nồng độ hormone MSH, estrogen và progesterone trong thai kỳ, estrogen làm tăng sản xuất melanin thông qua các tế bào hắc tố, tác động của estrogen được tăng cường bởi progesterone.
Phụ nữ mang thai gặp nhiều vấn đề về da như tăng sắc tố, mụn trứng cá, viêm lỗ chân lông, rụng tóc... Ảnh minh họa
Tăng sắc tố thường bắt đầu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, xuất hiện ở những vùng đã có sắc tố từ trước khi mang thai, đặc biệt là núm vú, quầng vú và vùng sinh dục. Linea nigra (đường nâu) là đường tăng sắc tố, được tìm thấy trên bụng ở phụ nữ mang thai và nhận thấy trong 3 tháng giữa thai kỳ (tuần thứ 14 - 27).
Hơn nữa, khoảng 45 – 75% phụ nữ có thai xuất hiện rám má (hay còn gọi là nám má). Nám có thể ở khắp mũi, má, trán. Những phụ nữ da sáng và tiếp xúc với ánh sáng nhiều thì bị nhiều hơn. Nám da có thể giảm dần vài tháng sau sinh, nhưng đôi khi lại tồn tại vĩnh viễn.
Tàn nhang, nốt ruồi, những vết sẹo mới hình thành cũng tăng sắc tố hơn trong thai kì, thậm chí một số còn phát triển lớn hơn.
Ngoài tăng sắc tố, BS Thảo Nhi cho biết, trong thai kỳ, phụ nữ còn gặp các thay đổi ở lông, tóc và móng. Theo đó, tình trạng rậm lông mức độ nhẹ đến trung bình được nhận thấy trong thời kì mang thai.
"Nồng độ hormone estrogen và andorogen tăng lên ở nửa sau thai kì giữ các sợi lông tóc phát triển ở giai đoạn tăng triển. Sau khi kết thúc thai kỳ, các nang tóc sẽ nhanh chóng đi vào giai đoạn ngừng triển, tiếp theo là thoái triển và sự rụng tóc tăng lên rõ ràng trong 6-16 tuần sau sinh, rõ ràng hơn ở vùng trán và thái dương, một số trường hợp có thể rụng tóc toàn thể. Quá trình phục hồi tự nhiên của tóc mất từ 3-12 tháng sau sinh.
Một số phụ nữ lại có tình trạng rụng tóc nhiều trong thai kỳ do thay đổi nội tiết tố, do cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, thiếu vitamin, thiếu máu da đầu", BS Nhi thông tin.
Ngoài ra, khi mang thai, móng cũng có thể bị giòn, móng có rãnh khía hoặc tách móng ở cuối gốc móng còn gọi là bong móng.
Cũng theo BS Nhi, ở các thai phụ, các tuyến bã cũng hoạt động mạnh hơn làm tăng kích thước các tuyến montgomery ở vùng núm vú, là nặng hơn tình trạng trứng cá, viêm nang lông trong thai kỳ.
Ảnh minh họa
Một vấn đề khác cũng khá phổ biến khi mang thai là vấn đề rạn da (khoảng 50-90% phụ nữ mang thai gặp phải). Các vết rạn thường phát triển vào nửa sau của thai kỳ với biểu hiện là những vết màu đỏ sáng hoặc đỏ tím. Phần lớn vết rạn khu trú ở vùng bụng dưới, nhưng cũng có thể thấy ở đùi, mông, hông, vú và cánh tay.
Các vết rạn thường không đau, nhưng do sự căng và duỗi ra của da nên có thể gây cảm giác ngứa và châm chích. Sau khi sinh, các vết rạn thường mờ đi thành màu bạc trắng, dần teo da, lõm xuống và tồn tại rất lâu gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Vị bác sĩ da liễu này cũng cho biết, ở các thai phụ, các mạch máu nhỏ và các mao mạch sẽ tăng sinh. Khoảng 50% phụ nữ có thai thấy giãn mạch hình mạng nhện ở mặt, cổ hoặc cũng có thể thấy ở ngực, bàn tay hay chân.
Khoảng 40% có giãn tĩnh mạch chi dưới do các thay đổi của mạch máu và áp lực đè nén của thai nhi lên tĩnh mạch chậu. Hiện tượng này thường xảy ra vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ.
Mặt khác, do sự thay đổi nhanh chóng, thất thường của các mạch máu nhỏ có thể gây nên hiện tượng mặt đỏ hay nhợt nhạt, nóng hay lạnh, phát ban.
Theo các bác sĩ, sự thay đổi ngoại hình trong thời kỳ mang thai là điều không tránh khỏi, một số dấu hiệu trên da sẽ được cải thiện sau khi sinh con, chị em không nên quá tự ti làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Để luôn khỏe mạnh, thai nhi phát triển tốt, các chuyên gia khuyến cáo, trong thời kỳ mang thai, mẹ bầu nên ăn đa dạng thực phẩm tươi, sạch và có nguồn gốc rõ ràng, được chế biến đúng cách để giữ lại các chất dinh dưỡng cần thiết. Uống nhiều nước để làn da được khỏe mạnh và đẹp hơn.
Cùng với đó, mẹ bầu nên thường xuyên đứng dậy đi lại để máu được lưu thông điều hòa tốt hơn. Đồng thời, giữ cho tinh thần luôn được thoải mái, tránh căng thẳng lo âu. Ngủ đủ giấc để cơ thể khỏe mạnh.