Đợt dịch hiện bùng phát ở bang Gujarat. Hôm 21/7, ông Rushikesh Patel, Trưởng Cơ quan Y tế bang, nói thông tin liên quan đến đợt dịch đã được thông báo đến từng làng xã. Chính quyền bang này đang nỗ lực dập dịch nhanh chóng.
Virus Chandipura là một mầm bệnh mới nổi, được phát hiện lần đầu vào năm 1965 từ máu của hai bệnh nhân tại Nagpur, Maharashtra. Virus có thể gây viêm não, tiến triển nhanh chóng thành các triệu chứng thần kinh nghiêm trọng. Hiện bệnh chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, người bệnh chủ yếu được chăm sóc hỗ trợ. Tuy nhiên, việc điều trị theo triệu chứng đôi khi chưa đủ với các trường hợp nghiêm trọng.
Minh họa virus viêm não Chandipura đang lây truyền ở Ấn Độ. Ảnh: Business Today
Ruồi cát, đặc biệt là loài Phlebotomus papatasi, đóng vai trò trung gian lây truyền bệnh viêm não do virus Chandipura. Ruồi mang virus từ vật chủ bị nhiễm sang người.
Để phòng ngừa căn bệnh, giới chức khuyến nghị người dân tránh để ruồi cát cắn, bôi thuốc chống côn trùng, mặc áo dài tay và sử dụng màn khi ngủ, đặc biệt tại những nơi có ruồi cát. Người dân cũng nên loại bỏ nguồn nước đọng, làm sạch thảm thực vật xung quanh nơi cư trú để giảm môi trường sinh sản của ruồi cát.
Các triệu chứng nhiễm virus Chandipura có thể phát triển nhanh chóng và xuất hiện đột ngột. Biểu hiện đầu tiên là sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn mửa thường xuyên, co giật, bất tỉnh và các vấn đề bất thường về thần kinh như kích động, lú lẫn, buồn ngủ.
Trong trường hợp trẻ nhỏ có các triệu chứng như nôn mửa, đau đầu hoặc sốt, các chuyên gia khuyến nghị cha mẹ đưa con em mình tới cơ sở y tế gần nhất để khám và làm xét nghiệm.
Thục Linh (Theo NDTV)