Thông tin được bác sĩ Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, chia sẻ tại hội nghị về hiếm muộn do Bệnh viện Từ Dũ tổ chức, ngày 6/1. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận tổng số trẻ chào đời nhờ thụ tinh ống nghiệm.

Theo ông Tuấn, từ 3 cơ sở đầu tiên, Việt Nam đã phát triển 54 cơ sở hỗ trợ sinh sản toàn quốc, làm chủ nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, mang lại hiệu quả cao. Tỷ lệ có thai trước đây khoảng 10-20%, nay tăng lên 40-50%, có những cơ sở lên 70%.

"Kết quả này đã mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, bởi không ít những gia đình từng tan vỡ vì không có con", ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, ngành hỗ trợ sinh sản Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức. Chất lượng giữa các cơ sở chưa đồng đều, không phải nơi nào cũng có tỷ lệ điều trị thành công cao. Với nhiều cặp vợ chồng, hiện y học vẫn chưa làm rõ nguyên nhân vì sao không thành công, dù đến nhiều cơ sở, dùng nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Vẫn còn trường hợp sảy thai, trẻ nhẹ cân, non tháng, ảnh hưởng sức khỏe của trẻ cũng như chất lượng dân số.

Ông Tuấn cho rằng một số cơ sở còn trục lợi bệnh nhân, chỉ định những kỹ thuật không cần thiết. Không ít người lợi dụng kẻ hở pháp luật trong hỗ trợ sinh sản, buôn bán tinh trùng, buôn bán phôi, thậm chí buôn bán trẻ em, đẻ thuê, với nhiều vụ việc phạm pháp đã được phanh phui.

Đến nay, chính sách hỗ trợ bệnh nhân vô sinh hiếm muộn gần như là 0. Trong khi đó, với đại đa số người lao động, chi phí điều trị thụ tinh trong ống nghiệm dù ở mức rất thấp so với thế giới vẫn là gánh nặng quá lớn, với số tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng một ca.

3-chuye-n-vie-n-pho-i-ho-c-dan-4664-4975-1704523890.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5Js3IZG-QIvvUkiiLTFW3w

Kỹ thuật viên hực hiện hỗ trợ sinh sản ở bệnh viện tại TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

BS.CK2 Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết kể từ khi 3 em bé đầu tiên Việt Nam chào đời nhờ thụ tinh ống nghiệm cuối tháng 4 năm 1998, đến nay Khoa Hiếm muộn của bệnh viện đã đón gần 17.000 trẻ, chiếm gần 12% trong số trẻ chào đời cả nước.

Khoảng 7-10% dân số tuổi sinh đẻ tại Việt Nam bị hiếm muộn. Hiện, hai phương pháp thường dùng để giúp tăng khả năng mang thai cho các cặp đôi điều trị hiếm muộn là bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Trong đó, IVF là phương pháp lấy tinh trùng và trứng ra ngoài, cho thụ tinh ngoài cơ thể, sau đó nuôi và cấy phôi lại trong buồng tử cung.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022