"Cảm giác như phụ huynh đưa con đến trường vậy", Jane Xue, nghiên cứu sinh 27 tuổi, cho biết và giải thích rằng bản thân muốn con chó cưng tên OK được trải nghiệm cuộc sống khác biệt, thay vì phải ở nhà một mình mỗi khi cô đi chơi cùng bạn trai vào cuối tuần.
"Gửi OK đến quán cà phê là giải pháp vẹn cả đôi đường. Nó sẽ được chơi với những con chó khác, không cảm thấy cô đơn", Jane cho biết.
Cà phê thú cưng là mô hình kinh doanh phổ biến ở Trung Quốc. Khách sẽ phải trả phí vào cửa từ 4-8,5 USD hoặc gọi đồ uống để được chơi với những con thú cưng.
Ngoài giúp OK có bạn chơi cùng, Jane nói công việc của con chó cũng giúp cô và bạn trai tiết kiệm chi phí. "Mùa hè ở Phúc Châu rất khắc nghiệt. Chúng tôi sẽ phải bật điều hòa cả ngày nếu để chó giống Samoyed như OK ở nhà, rất tốn kém", Jane nói.
Chó cưng tên OK của Jane Xue ở Phúc Châu. Ảnh: CNN
Ý tưởng của Jane có vẻ khác thường, nhưng nằm trong xu hướng "kiếm tiền tiêu vặt" đang phát triển ở Trung Quốc. Thuật ngữ này chỉ ý tưởng "gửi chó mèo đi làm", cho thú cưng đến các quán cà phê chó mèo để chơi với khách hàng, sau đó về nhà với gia đình vào buổi tối giống con người.
Giới quan sát đánh giá đây là xu hướng lạ và dễ thương, nhưng cũng phản ánh những vấn đề của thời đại. Trung Quốc dự kiến ghi nhận số vật nuôi nhiều hơn trẻ sơ sinh vào cuối năm nay do tỷ lệ sinh thấp.
Quán cà phê mèo đầu tiên của Trung Quốc khai trương ở Quảng Châu năm 2011. Số cà phê thú cưng sau đó tăng đều đặn 200% mỗi năm. Tính đến năm 2023, Trung Quốc có hơn 4.000 doanh nghiệp kinh doanh cà phê thú cưng, theo thống kê của công ty CBNData có trụ sở tại nước này.
Trong những tháng gần đây, các chủ quán cà phê thú cưng đồng loạt phát tin tuyển dụng, trong khi chủ vật nuôi cũng đăng CV cho chó, mèo lên mạng xã hội.
"Nhiều người muốn gửi mèo đến làm việc tại quán của tôi. Hãy để tôi công khai thù lao nhé, tôi vừa trả lương xong", một bài đăng tuyển dụng có đoạn, kèm ảnh con mèo xám ngồi trước 5 hộp thức ăn cho mèo "sau khi đã trừ thuế".
"Chúng tôi đang tuyển dụng những con mèo khỏe mạnh, thân thiện. Đãi ngộ gồm một bữa ăn nhẹ mỗi ngày, giảm giá đồ uống 30% cho bạn bè của chủ vật nuôi", một bài đăng khác viết.
Khi thấy một số bài đăng như vậy trên mạng xã hội, Jane Xue nhận thấy đây là ý tưởng thú vị và bắt đầu tìm cà phê có nhu cầu tuyển nhân viên chó tại Phúc Châu. Cô nhanh chóng tìm thấy một quán và liên lạc với quản lý, sau đó chải chuốt lông cho OK để chuẩn bị xin việc.
Chủ quán theo dõi OK trong khoảng một tiếng, xem con chó có tương tác tốt với khách hàng và hòa đồng với những con khác ở quán hay không. Quá trình diễn ra suôn sẻ và OK được nhận vào làm. "Chó cưng của tôi sau đó trở thành tiếp viên siêu sao của quán", Jane nói.
Tuy nhiên, không phải lúc nào chó mèo cũng nhanh chóng được tuyển vào quán cà phê.
Xin Xin, giáo viên tiểu học 33 tuổi ở Bắc Kinh, đang tìm việc cho con mèo lông đen trắng hai tuổi của mình. "Đây quả là con mèo được Thượng đế chọn để làm việc tại quán cà phê, chỉ yêu cầu thù lao vài hộp thức ăn hoặc đồ ăn vặt", cô đăng bài trên mạng xã hội ngày 8/9, nhưng chưa được quán nào liên lạc.
Con mèo lông đen trắng của một giáo viên ở Bắc Kinh. Ảnh: CNN
"Tôi nghĩ các chủ quán sẽ gọi đến, giờ thì có vẻ tôi phải chủ động hơn và gửi CV của nó đến nhiều nơi", giáo viên này cho hay.
Xin Xin nói rằng con mèo thường ngủ ngày và quậy phá ban đêm khiến vợ chồng cô khó ngủ, nên muốn nó đi làm để tiêu bớt năng lượng. Nữ giáo viên cũng cảm thấy khó chịu khi con mèo thường cuộn tròn cạnh laptop mỗi lúc cô phải làm thêm giờ.
"Nó nằm ườn nhìn tôi hối hả làm việc. Vợ chồng tôi muốn nó nếm trải cảm giác này và tự kiếm ăn cho mình", cô đùa.
Đức Trung (Theo CNN, Global Times, CNA)