Pat Lin bị biến dạng cột sống sau 25 năm làm thú cưỡi.
Tổ chức Wildlife Friends của Thái Lan (WFFT) cho biết xương sống của Pat Lin, hiện 71 tuổi, đã bị tổn thương vĩnh viễn sau nhiều năm cõng khách du lịch trên lưng. Trường hợp của Pat Lin cũng cho thấy tình cảnh điển hình của những con voi bị khai thác trong ngành du lịch leo núi phát triển ở Thái Lan.
Voi được sử dụng để leo núi thường phải chịu sức nặng của tối đa 6 khách du lịch cùng một lúc, cộng thêm người điều khiển và howdah (chiếc ghế để khách ngồi) trong cả ngày.
Tải trọng lớn khiến xương và mô của voi bị thoái hóa, làm tổn thương vĩnh viễn cột sống của chúng. Howdah cũng để lại sẹo trên lưng Pai Lin.
Pai Lin là một trong hàng chục con voi được WFFT giải cứu. Hầu hết những con voi này đều bị ngược đãi trong nhiều thập kỷ.
Đeo howdah nặng liên tục khiến voi bị thương và biến dạng xương.
Tom Taylor, Giám đốc dự án của WFFT, cho biết: "Mặc dù voi có thể được biết đến với sức mạnh và kích thước lớn, cấu trúc lưng, xương của chúng không thể chịu được sức nặng như vậy".
WFFT hy vọng sẽ nâng cao nhận thức, khuyến khích khách du lịch chỉ ủng hộ các khu bảo tồn voi bền vững, có đạo đức, đồng thời tránh các khu cung cấp dịch vụ cưỡi voi hoặc những hoạt động bóc lột khác.
Khoảng 35 năm trước, voi đã bị loại khỏi ngành khai thác gỗ và được chuyển sang để khai thác du lịch ở Thái Lan. Những con voi làm việc trong các công viên giải trí, nơi cung cấp dịch vụ cưỡi voi và hoạt động biểu diễn.
Trước tình cảnh ngược đãi voi ngày càng nghiêm trọng, các tổ chức phi chính phủ nhiều lần kêu gọi trả loài vật này về với tự nhiên.
Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan chưa có bất kỳ động thái nào vì voi vẫn là một phần quan trọng của ngành du lịch nước này, với doanh thu từ hoạt động giải trí dựa trên voi ước tính hơn 500 triệu USD /năm trước đại dịch.
Voi châu Á, loài động vật có vú trên cạn lớn nhất ở châu Á, đang bị đe dọa nghiêm trọng và đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao. Từng được tìm thấy trên khắp châu lục, loài này hiện chỉ còn ở phía nam và tây nam châu Á.
Ngày nay, chỉ còn chưa đầy 52.000 con voi châu Á trong tự nhiên. Hơn một nửa số voi hoang dã được tìm thấy ở Ấn Độ.
Voi châu Á là loài ăn cỏ quan trọng vì giúp phân tán hạt giống khi di chuyển. Là động vật có vú lớn, chúng cũng giúp mở ra những khoảng trống trong các khu rừng nhiệt đới rậm rạp để ánh sáng mặt trời có thể xuyên qua, chiếu tới cây con hoặc thực vật ở tầng thấp.