Video deepfake mở đầu bằng cảnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để kiểu tóc dài như phụ nữ, đeo băng đô màu xanh, sau đó chuyển qua cảnh ông để tóc mullet nhảy theo ca khúc nổi tiếng Voyage, Voyage của Desireless những năm 1980.

Trong những cảnh khác, ông Macron biến thành người hướng dẫn làm tóc, nghệ sĩ người Pháp Nekfeu đọc rap, hay trở thành nam diễn viên Jean Dujardin trong bộ phim hài về điệp viên OSS 117.

"Hay thật", ông nói trong video deepfake đăng trên tài khoản mạng xã hội X của chính mình ngày 9/2, thu hút gần 9 triệu lượt xem. "Video được làm rất tốt, khiến tôi bật cười".

ong-macron-dang-video-deepfake-quang-ba-hoi-nghi-ai-o-paris-1739184971.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Mhks3fLSR2u-04DXAgAPjw
Ông Macron đăng video deepfake quảng bá hội nghị AI ở Paris

Video deepfake do Tổng thống Pháp đăng ngày 9/2. Video: X/Emmanuel Macron

Tổng thống Macron cho hay ông đăng video này nhằm thu hút sự chú ý của mọi người tới hội nghị thượng đỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) diễn ra trong hai ngày 10-11/2 tại bảo tàng Grand Palais ở Paris mà Pháp và Ấn Độ đồng chủ trì.

Hội nghị quy tụ những quốc gia đi đầu về AI trên thế giới, cũng như các nguyên thủ quốc gia và quan chức chính phủ, trong đó có Phó tổng thống Mỹ JD Vance, người lần đầu tiên công du nước ngoài sau khi nhậm chức. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ cử đặc phái viên tham gia.

"Với trí tuệ nhân tạo, chúng ta đủ sức làm được những điều to lớn: thay đổi hệ thống y tế, năng lượng, đời sống, trong xã hội loài người", ông Macron nói.

"Pháp và châu Âu phải là trung tâm của cuộc cách mạng này, nắm bắt mọi cơ hội và thúc đẩy các nguyên tắc của chúng ta", Tổng thống Macron, 47 tuổi, nhấn mạnh trong bối cảnh nhiều ý kiến cho rằng AI hiện là cuộc đua giữa Trung Quốc và Mỹ.

Video kết thúc bằng cảnh ông Macron biến thành MacGyver, người chuyên đóng vai siêu anh hùng trong các bộ phim truyền hình Mỹ. "Vâng, đó là tôi", ông cười nói.

Bài đăng khiến một số người nghi ngờ tài khoản của ông Macron bị tin tặc tấn công. Tuy nhiên, đa số người dùng mạng nhiệt tình đón nhận.

"Tổng thống ngầu thật", một người bình luận. "Đúng là bất ngờ vào Chủ nhật", một người khác nhận xét.

Một số người e ngại video có nguy cơ bị các nghệ sĩ chỉ trích trong thời điểm chính phủ Pháp đang đề xuất thay đổi luật bản quyền trước sự bùng nổ của AI. Dự luật muốn các nhà xuất bản deepfake phải nêu rõ tên tác phẩm và tác giả của bản gốc. Một nguồn tin từ Điện Elysee cho hay video không vi phạm luật hiện hành vì "dự thảo chưa được thông qua", đồng thời nhấn mạnh video muốn gây tiếng cười để nâng cao nhận thức về một chủ đề nghiêm túc.

AI bùng nổ kéo theo xu hướng gia tăng nhiều video deepfake trên mạng xã hội với đa số mang tính giễu nhại, trong đó một số đã gây hậu quả xấu. Tháng trước, một phụ nữ si tình người Pháp đã chuyển gần 860.000 USD cho một người giả mạo nam diễn viên nổi tiếng người Mỹ Brad Pitt khi người này nói cần tiền điều trị ung thư trong lúc đang tranh chấp ly hôn với nữ diễn viên Angelina Jolie.

Thuật ngữ "deepfake" là sự kết hợp giữa "deep learning" và "fake". Công nghệ này được xây dựng trên nền tảng machine learning mã nguồn mở của Google. Deepfake sẽ quét video và ảnh chân dung của một người sau đó hợp nhất với video riêng biệt nhờ AI và thay thế các chi tiết trên gương mặt như mắt, miệng, mũi với chuyển động gương mặt, giọng nói như thật.

Càng có nhiều hình ảnh gốc thì AI càng có nhiều dữ liệu để học. Deepfake có thể gán khuôn mặt của người này sang người khác trong video với độ chân thực đến kinh ngạc.

Hồng Hạnh (Theo Telegraph)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022