Abdulla Murad Ali, giám đốc một ngân hàng ở Qatar, đặt tay lên ngực và cho biết đất nước anh chào đón tất cả mọi người đến xem World Cup. Anh muốn người hâm mộ bóng đá coi quốc gia đăng cai sự kiện này như quê hương thứ hai của họ. Anh chỉ có một yêu cầu duy nhất với họ: đừng uống rượu bia.
"Qatar là quốc gia Hồi giáo và rượu bia bị cấm trong tôn giáo của chúng tôi. Tất cả những gì chúng tôi yêu cầu là thế giới thể hiện tôn trọng đối với văn hóa của Qatar", Ali chia sẻ hôm 21/11, một ngày sau trận khai mạc giải đấu.
Ali đề cập sự phẫn nộ của một số người hâm mộ trước quyết định từ FIFA hôm 18/11 về việc cấm bán bia rượu tại các địa điểm tổ chức giải đấu. Bia rượu sẽ vẫn được phục vụ tại một số khách sạn, quán bar và khu vực của FIFA dành cho người hâm mộ.
Tuy nhiên, quyết định của FIFA bị một số người hâm mộ chỉ trích vì được công bố quá sát giải đấu. Trước trận đấu giữa Anh và Iran ngày 21/11, một số cổ động viên Anh đã phàn nàn về sự thiếu cảm thông của ban tổ chức đối với "văn hóa rượu bia" của họ.
Một số người đã nhờ bảo vệ trung tâm mua sắm chỉ đường đến nơi có thể mua được đồ uống có cồn. Nhiều cổ động viên cho biết họ cảm thấy như bị FIFA đánh lừa.
"Nếu FIFA ban hành lệnh cấm rượu bia khi Qatar được công bố là nước chủ nhà World Cup 2022 thì mọi chuyện đã khác", Federico Farraz, CĐV bóng đá đến từ Bồ Đào Nha, nói khi đang uống trà ở thủ đô Doha.
Nhưng với nhiều người khác, quyết định mà FIFA công bố sau các cuộc thảo luận với nước chủ nhà, lại mang tới sự nhẹ nhõm. Sonia Nemmas, bà mẹ người Jordan, có ba cô con gái lớn lên trong gia đình rất yêu bóng đá. Họ có vé xem một trận đấu vào buổi đêm, nhưng rất lo sợ nguy cơ xuất hiện những cổ động viên say xỉn trong sân.
Bà Sonia Nemmas (thứ ba từ trái sang) cùng các con gái và bạn bè tại thủ đô Doha, Qatar ngày 18/11. Ảnh: Al Jazeera.
"Khi đến các quốc gia khác, chúng tôi không hỏi tại sao phải tuân theo các quy tắc hoặc tôn trọng văn hóa của họ. Đơn giản là chúng tôi cứ tuân thủ thôi", bà nói với một cái nhún vai.
Một buổi tối cuối tuần trước, bà ra khu vực trung tâm thành phố Doha để tham gia các hoạt động chào đón giải đấu. Các con gái đi cùng bà, mang khăn trùm đầu Hồi giáo keffiyeh để thể hiện bản sắc Jordan. Họ cũng thể hiện sự ủng hộ đối với Qatar bằng cách mang theo cờ và mũ của nước chủ nhà.
Đề cập tới vụ bạo lực do bia rượu tại sân vận động Wembley trong trận chung kết Euro 2020 ở Anh, Nemmas cho hay đó không phải điều bà muốn thấy ở Qatar.
Trong khi một số người hâm mộ đội tuyển Anh bày tỏ sự không hài lòng với lệnh cấm rượu bia, những người khác nói rằng điều đó sẽ không ngăn họ có khoảng thời gian vui vẻ trong kỳ World Cup năm nay ở Qatar.
Ahmed Muhammad, giáo viên ở Doha đến từ Anh, cho biết thật không công bằng khi đánh đồng tất cả cổ động viên Anh. "Chỉ một số rất ít cổ động viên Anh có những hành động hung hăng", anh nói khi tới khu chợ Souq Waqif cùng con trai nhỏ. "Phần lớn họ đều tôn trọng và tuân theo quy tắc".
Theo giám đốc ngân hàng Ali, việc không uống rượu bia tại World Cup không khó chút nào. Anh chỉ ra rằng những người sống và theo dõi bóng đá ở các quốc gia Hồi giáo luôn tận hưởng niềm vui bóng đá mà không cần đến rượu bia.
"Là một quốc gia Hồi giáo, điều chúng tôi muốn mọi người hiểu là bạn có thể thưởng thức các trận đấu mà không cần bia trên tay. Bóng đá dành cho tất cả mọi người, không chỉ dành cho những người muốn uống rượu bia", Ali nói.
Huyền Lê (Theo Al Jazeera)