"Nhả bóng ra", Ambra, 25 tuổi, người Albania, hét lên với các thành viên nam trong đội bóng tù nhân. Cô xô đẩy họ cũng giống như cách họ đẩy cô khi cố giành quyền kiểm soát bóng.

"Tại sao nhà tù phải là nơi duy nhất nam nữ không thể sống chung?", cô đặt câu hỏi.

Nhà tù Teixeiro, vùng Galicia, tây bắc Tây Ban Nha, áp dụng chính sách cho phép tù nhân nam nữ sinh hoạt chung ở khu Nelson Mandela từ năm 2021, nhằm để họ chuẩn bị tốt hơn cho việc tái hòa nhập xã hội sau khi mãn hạn tù.

346K4GH-highres-4596-1701425492.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AZefZDwTDVqKu8o4OqRp5Q

Ambra (giữa), chơi bóng cùng tù nhân nam trong nhà tù Teixeiro ngày 5/10. Ảnh: AFP

20 trong số 55 tù nhân trong khu Nelson Mandela là phụ nữ. Họ cùng tù nhân nam tham gia các hoạt động thường ngày như chơi thể thao, trị liệu theo nhóm và học nghề. Họ làm việc và ăn uống cùng nhau. Thời gian còn lại, họ sống trong các buồng giam riêng trên cùng một hành lang.

Tù nhân muốn sống ở khu vực này đều là người tình nguyện và được chọn dựa theo hành vi. Tù nhân bị kết án bạo lực tình dục không được phép sống ở đây.

Ở nhà ăn, Cristina, tù nhân nữ, đang chuẩn bị bữa cùng các tù nhân nam nữ khác. Trong khi ở phòng gym, nữ phạm nhân Helga đang tập luyện cùng các tù nhân nam.

Tây Ban Nha là được coi là nơi tiên phong ở châu Âu khi nói đến quyền phụ nữ. Quốc gia này đã thử nghiệm hệ thống tù nhân nam nữ cùng chung sống trong hơn 20 năm.

Hiện có 20 khu giam chung ở Tây Ban Nha, nơi có 202 tù nhân nữ và 925 tù nhân nam cùng tham gia các hoạt động chung. Con số này chỉ là một phần nhỏ trong tổng số 47.000 tù nhân ở Tây Ban Nha.

Chính quyền Thủ tướng Pedro Sanchez khuyến khích phát triển nhiều hơn các khu giam chung nam nữ trong hệ thống nhà tù Tây Ban Nha.

"Chuẩn bị cho cuộc sống sau nhà tù mà chỉ sống cùng một nửa dân số thì không có ý nghĩa", Nadia Arias, phó giám đốc nhà tù Teixeiro, nói.

Bà cho hay các khu vực giam chung đã giúp tù nhân quen với một xã hội có cả nam và nữ cùng tồn tại. Arias nhận định sáng kiến này cũng cho phép các tù nhân nữ tiếp cận những dịch vụ và chương trình vốn được coi là chỉ dành cho đàn ông.

Ricardo, người có nhiều tiền án và từng bị biệt giam, cho hay đã lưỡng lự khi ban giám thị đề nghị chuyển anh tới khu vực dành cho cả nam và nữ, bởi trước đây chỉ quen sống chung với tù nhân nam.

Bây giờ, anh thích khu vực mới hơn vì ít căng thẳng hơn. Người đàn ông 47 tuổi cho hay trong khu buồng giam chỉ toàn nam, "một cái nhìn đểu cũng có thể dẫn tới đánh đấm hay đâm chém nhau".

Ambra, 25 tuổi, người Albania, cho biết đàn ông trong khu buồng giam chung đôi khi hiểu nhầm khi thấy cô thân thiện và tưởng cô muốn hẹn hò hay tán tỉnh.

"Do đó tôi đã dựng rào chắn", cô giải thích.

346M8ZP-highres-9998-1701425492.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=v_CHAm8badBNuAvrWNQMvw

Khu phòng giam dành cho nam và nữ trong nhà tù Teixeiro ngày 5/10. Ảnh: AFP

Ban quản lý nhà tù cho hay chưa từng xảy ra sự cố nghiêm trọng nào trong khu giam chung, nơi có rất nhiều tù nhân muốn được chuyển tới. Ở những nước châu Âu khác, khu vực buồng giam chung không phổ biến.

Pháp, láng giềng của Tây Ban Nha, cho phép giam chung nam nữ từ năm 2009, nhưng không có nhà tù nào để tù nhân nam và nữ chung giống như ở Teixeiro. Tù nhân nam và nữ ở Pháp chỉ cùng tham gia một số hoạt động bên ngoài buồng giam.

"Tôi cho rằng ý tưởng giam chung nam và nữ tù nhân rất hay, bởi cuộc sống bên ngoài cũng diễn ra như thế", Ambra nói.

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022