Vài tiếng sau, Jung Joo-hee, 30 tuổi, nằm trong số 156 người, đa số ở độ tuổi thiếu niên và ngoài 20, thiệt mạng trong vụ giẫm đạp ở thủ đô Seoul khi đang dự lễ hội Halloween không áp đặt biện pháp kiểm soát Covid-19 đầu tiên trong gần ba năm.

4KVFIEERJBMUFGKNL3BD2RA7UQ-2002-1667548540.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TH5klFI0r6bEDn7lwuuKYw

Bà Lee Hyo-sook, 61 tuổi, khóc trước mộ con gái Joo-hee, 30 tuổi, ở Namyangju, ngoại ô Seoul, ngày 3/11. Ảnh: Reuters.

Ngày 3/11, người nhà mang tro cốt cô đi chôn trong khu đất gia đình bên ngoài Seoul, cạnh mộ trồng một cây xú xuân.

"Hãy an nghỉ. Bố mẹ sẽ xuống đó thăm con sau", Jung Hae-moon nói khi cả gia đình đứng cầu nguyện cạnh mộ con gái, cùng chú chó cưng cô nuôi.

Khi thời sự đưa tin vụ giẫm đạp đêm 29/10, Jung Hae-moon vội chạy tới Itaewon, khu ngõ hẻm đầy hộp đêm và cửa hàng, chứng kiến sự hỗn loạn khi xe cứu thương chở nạn nhân đi cấp cứu hoặc tới nhà xác, còn thanh niên mặc trang phục Halloween thẫn thờ rời khỏi con phố.

Hơn 12 tiếng sau, ông tìm thấy Joo-hee trong nhà xác, thân thể bầm dập, sưng tím. Bà Lee Hyo-sook, mẹ của Joo-hee, cho hay con gái là người luôn vui vẻ, yêu động vật và thích rượu vang.

"Khoảng trống con tôi để lại quá lớn. Con bé ra đi, khiến gia đình vô cùng trống trải", bà Lee tâm sự trong quán cà phê mà Joo-hee làm chủ. Quán cà phê đóng cửa, treo biển màu đen đề chữ: "Đang để tang".

Nỗi đau mà gia đình Joo-hee cảm nhận giống nỗi đau của 155 gia đình khác. Thời gian cúng ba ngày đã kết thúc và các nạn nhân được đem đi chôn hoặc hỏa táng. Trong số 156 người chết có 101 người là phụ nữ.

Ông Song Jae-woong cho hay con gái Young-ju, 24 tuổi, là người dịu dàng, được bạn bè cùng lớp yêu quý. Đám tang của cô có tới hơn 200 bạn bè tới dự.

"Con tôi mơ ước trở thành nữ diễn viên. Thế mà mọi chuyện thành ra thế này", ông Song nói trong lúc tổ chức tang lễ ở Seoul. "Bạn bè con bé đều nhận xét cháu rất thích kết bạn và rất tốt bụng. Bây giờ mọi thứ đã kết thúc".

Một số gia đình không biết con tới Itaewon tối hôm đó. "Tôi không hề biết con sẽ đến đó. Tôi không tin nổi", bố của Lim nói trong tang lễ con gái ở Seoul.

Ông thường sống ở nước ngoài, không gặp người con duy nhất suốt ba năm do đại dịch làm gián đoạn việc đi lại. Ông biết tin về thảm họa khi được người quen gửi tin nhắn, mà không hay con gái cũng là nạn nhân.

"Con gái tôi rất xinh, rất sáng tạo", ông nói, cho hay trước đây thường đi dạo với con ở Itaewon. Ông thường đỗ xe ở khách sạn Hamilton, gần con hẻm nơi Lim tử vong. "Tôi biết rất rõ con phố đấy".

C6P3MZMOVVP2BP6FPVBL5FSOT4-7087-1667548540.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ECWhDKn2dskTde2P5A8nvw

Ông Jung Hae-moon, 62 tuổi, ôm bình đựng tro cốt của con gái đem đi chôn tại Namyangju, ngoại ô Seoul, ngày 3/11. Ảnh: Reuters.

Với nhiều bậc cha mẹ khác, sự tức giận đan xen với đau buồn. Họ thắc mắc lý do con cái dự lễ hội Halloween, khái niệm hoàn toàn xa lạ với người lớn tuổi ở Hàn Quốc. Nhưng câu hỏi lớn nhất là tại sao không có biện pháp an toàn nào được thực hiện nhằm kiểm soát đám đông.

"Tôi vô cùng tức giận. Thật phẫn nộ vì trong bất kỳ tình huống khẩn cấp nào, đất nước có nghĩa vụ bảo vệ nhân dân, đảm bảo an toàn cho người dân", bà Lee, mẹ của Joo-hee, nói.

Hồng Hạnh (Theo Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022