Sau khi ly hôn, Công chúa Na Uy Martha Louise quyết tâm xây dựng lại cuộc đời với Durek Verrett, người Mỹ gốc Phi tự nhận là một pháp sư tâm linh nổi tiếng Hollywood. Hai người tuyên bố đính hôn hồi tháng 6 và được Vua Harlad chúc phúc.

Nhưng mối tình này đối mặt với nhiều phản đối và chỉ trích trong dư luận Na Uy, sau khi Verrett xuất bản cuốn sách tuyên bố ung thư là "một lựa chọn". Trên website của mình, pháp sư người Mỹ cũng rao bán huy chương "Tinh thần lạc quan" với giá 222 USD, kèm tuyên bố vật phẩm này đã giúp ông vượt qua Covid-19.

-1602-1666071566.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sSn5mH6WlWlozZbnQzmpCg

Pháp sư người Mỹ Durek Verrett (trái) cùng công chúa Na Uy Martha Louise. Ảnh: Instagram/Martha Louise

Những điều đó đã khiến người dân Na Uy khó chịu. "Ông ta là kẻ mạo danh, lang băm, lừa đảo", Dafginn Nordbo, tiểu thuyết gia Na Uy, nói.

Cuộc thăm dò tháng trước cho thấy 17% người Na Uy giảm cảm tình với hoàng gia vì mối tình giữa Công chúa và pháp sư. Làn sóng chỉ trích diễn ra trong bối cảnh khắp châu Âu đang dấy lên cuộc tranh luận về vai trò chế độ quân chủ, và hoàng gia một số nước đang hiện đại hóa, thu gọn quy mô.

Hoàng gia Đan Mạch và Thụy Điển đã tước danh hiệu của một số thành viên, trong khi Vương quốc Anh dưới thời Vua Charles III được cho là cũng đang xem xét chính sách tương tự.

Chế độ quân chủ Na Uy được ủng hộ rộng rãi một phần do đường lối thực tế, khi Vua Harlad, 85 tuổi, áp dụng các giá trị tiến bộ của đất nước.

Verrett cho biết ông hiểu tín ngưỡng của mình khiến nhiều người ở Na Uy bất an, nhưng pháp sư này cũng cho rằng mình là nạn nhân của tình trạng phân biệt chủng tộc. "Người da trắng gửi những lời thù ghét, đe dọa tới chúng tôi vì họ không muốn thấy một người da màu trong hoàng gia", Verrett nói trong video đăng trên Instagram hôm 9/6.

Trong các cuộc thăm dò gần đây, hơn một nửa số người Na Uy được hỏi cho rằng Louise nên từ bỏ tước vị Công chúa. Một nhóm chuyên gia y tế cũng gạt bỏ vai trò bảo trợ của Công chúa vì Verrett có xu hướng ủng hộ "y học thay thế" mà họ cho là không có căn cứ khoa học.

Đây không phải lần đầu Louise, người xếp thứ 4 trong hàng kế vị sau em trai là Thái tử Haakon và hai con của ông, gây tranh cãi ở Na Uy. Trong nhiều cuốn sách và khóa học, Công chúa từng tuyên bố có thể trò chuyện với thiên thần.

Cô bị tước danh xưng "Điện hạ" năm 2002 khi rút khỏi nhiệm vụ hoàng gia. Đến năm 2019, Louise cam kết không sử dụng tước hiệu công chúa trong các hoạt động kinh doanh. Người chồng đầu tiên của công chúa, nhà văn Ari Behn, tự tử năm 2019, ba năm sau khi ly hôn.

Truyền thông Na Uy cho biết Vua Harald đã cùng hai con mở "cuộc họp khủng hoảng" để thảo luận có nên giữ lại tước vị công chúa của Louise hay không. Cho tới nay, nhà vua rất ít nói về con rể tương lai, chỉ nói rằng một "cuộc xung đột văn hóa" đang diễn ra.

"Sẽ phải làm gì đó", nhà sử học Trond Noren Isaksen nói. "Nhà vua và Hoàng hậu phải dung hòa hai ưu tiên, là muốn con cái sống cuộc đời hạnh phúc và bảo vệ chế độ quân chủ để nó tiếp tục tỏa sáng một nghìn năm nữa".

"Hoàng gia đại diện cho một lực lượng thống nhất. Vấn đề là Martha Louise và Durek Verrett lại gây tranh cãi và chia rẽ bằng những tuyên bố thiếu khoa học", Isaksen nhận định.

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022