Nhà hoạt động khí hậu 21 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg ngày 6/4 tham gia cùng nhóm biểu tình chặn tuyến cao tốc A12 ở The Hague, Hà Lan. Cô bị cảnh sát địa phương bắt và giam trong thời gian ngắn.

Sau khi được thả, Thunberg tiếp tục nhập hội với nhóm biểu tình chặn một tuyến đường khác dẫn vào ga tàu, khiến cô bị bắt lần hai. "Thế giới đang đối mặt khủng hoảng sống còn, chúng tôi sẽ không khoanh tay nhìn", Thunberg nói khi cảnh sát áp giải cô lên xe.

Tổ chức biểu tình Extinction Rebellion của Anh cho biết Thunberg bị giam trong vài giờ rồi được thả vào buổi tối.

Thiet-ke-chua-co-ten-2024-04-0-4654-1408-1712551125.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5wJHjE6AQC6q-xsMEzegnQ

Cảnh sát Hà Lan áp giải Greta Thunberg khỏi nơi biểu tình ở The Hauge, Hà Lan, ngày 6/4. Ảnh: Reuters

Đường cao tốc A12 bị các nhà hoạt động khí hậu chặn hàng chục lần trong những tháng gần đây. Các nhóm biểu tình yêu cầu chính phủ các nước chấm dứt mọi trợ cấp thúc đẩy sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Cảnh sát Hà Lan không bình luận về hai vụ biểu tình ngày 6/4, nhưng cho biết toàn bộ 412 người tham gia chặn đường đều đã bị bắt. Khi được hỏi liệu có lo ngại về hành động của cảnh sát hay không, Thunberg đáp: "Tại sao tôi phải lo lắng?".

Greta Thunberg nổi tiếng toàn cầu từ năm 2018, sau khi bỏ học để biểu tình vì môi trường bên ngoài quốc hội Thụy Điển hàng tuần. Phòng trào của cô lan rộng khắp cả nước, thu hút hàng triệu học sinh và gây tiếng vang toàn cầu.

Năm 2019, Thunberg chỉ trích người lớn và các lãnh đạo thế giới không chịu hành động chống lại biến đổi khí hậu tại Liên Hợp Quốc. Những năm gần đây, Thunberg thường xuyên tham gia biểu tình và bị cảnh sát áp giải, tạm giam.

Hồi tháng 2, tòa London tuyên Thunberg trắng án trong vụ cô bất tuân lệnh cảnh sát rời khỏi cuộc biểu tình chặn lối vào một hội nghị dầu khí hồi năm ngoái.

Đức Trung (Theo Reuters, AFP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022