GĐXH - Cậu bé từng được giải cứu thần kỳ sau 2 tuần mắc kẹt trong hang động tại Thái Lan cách đây 5 năm đã qua đời tại Anh khi bước vào tuổi 17.
Đội bóng nhí bị mắc kẹt trong hang ngập nước ở Thái Lan hiện ra sao?
Đã gần 5 năm kể từ khi một đội bóng "nhí" và huấn luyện viên của họ được giải cứu khỏi hang Tham Luang ở Thái Lan sau 17 ngày mắc kẹt gây chú ý khắp thế giới.
Duangpetch Promthep từng là đội trưởng của đội bóng đá nhí Lợn Rừng bị mắc kẹt trong hang Tham Luang tại Thái Lan vào năm 2018. Ảnh: AP.
Vào ngày 15/2, thông tin về Duangpetch Promthep, cậu bé từng được giải cứu thần kỳ sau 2 tuần mắc kẹt trong hang động tại Thái Lan cách đây 5 năm đã qua đời tại Anh khiến nhiều người bàng hoàng.
Tháng 8 năm ngoái, chia sẻ với truyền thông, Dom cho biết "giấc mơ của mình đã thành hiện thực" khi nhận được học bổng tại Học viện bóng đá Brook House ở TP Leicester - Anh.
Cậu bé trong một lần chụp hình cùng thần tượng Kiatisak, HLV trưởng CLB Hoàng Anh Gia Lai hiện tại. Ảnh: The Thaiger
Duangpetch Promthep là nạn nhân từng nổi tiếng với vai trò đội trưởng đội bóng đá nhí Thái Lan bị mắc kẹt cùng huấn luyện viên trong suốt 2 tuần của chuyến đi khám phá tỉnh Chiang Rai. Ngoài ra, còn 11 cầu thủ nhí khác của đội bóng có tên Lợn Rừng (Wild Boars) cũng bị mắc kẹt khi đi thám hiểm hang Tham Luang ngày 23/6/2018.
Duangpetch Promthep lúc đó 13 tuổi cùng với thầy và các đồng đội đã bị mắc kẹt khi mực nước trong hang động dâng cao do lũ lụt.
Sau một chiến dịch giải cứu kéo dài 2 tuần với sự hỗ trợ của khoảng 100 thợ lặn Thái Lan và nước ngoài, đội bóng nhí đã được đưa ra khỏi hang Tham Luang một cách an toàn.
Có thể nói, chiến dịch giải cứu đã làm thay đổi cuộc đời của các thành viên đội bóng nhí. Nhiều thành viên đội bóng đã được chính thức nhập quốc tịch Thái Lan. Đặc biệt, cuộc giải cứu này đã khiến các cầu thủ nhí bỗng trở nên nổi tiếng khắp thế giới, đưa các em qua nhiều nước, gặp gỡ nhiều cầu thủ của các câu lạc bộ nổi tiếng và cả tham gia các talk show truyền hình.
Không chỉ vậy, cuộc giải cứu này đã trở thành cảm hứng cho dự án phim của hãng Netflix. Theo truyền thông dự đoán, khoản tiền mà các cầu thủ nhận được từ Netflix có thể lên tới 100.000 USD, tương đương hơn 2,3 tỷ đồng mỗi người.
Huấn luyện viên chụp ảnh với đội bóng "Lợn rừng" trước khi mắc kẹt trong hang hồi năm 2018. Ảnh: Telegraph.
Chiến dịch giải cứu đội bóng nhí tại Thái Lan đã thu hút sự chú ý của cả thế giới khi đó. Thời gian qua có nhiều cuốn sách và bộ phim được thực hiện dựa trên câu chuyện phi thường về Dom và các đồng đội, bao gồm cả bộ phim 6 tập do Netflix phát hành vào năm ngoái.
Đặc biệt, sứ mệnh giải cứu các nạn nhân mắc kẹt trong hang Tham Luang đã truyền cảm hứng cho sự ra đời của ba bộ phim: "The Cave" (2019), "The Rescue" (2021) và "Thirteen Lives" (2022).
Cho đến nay, mặc dù nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng quốc tế, sau đợt giải cứu, không có nhiều thông tin về các cậu bé cùng huấn luyện viên Ekkapol Chantawong.
Một trong những lý do có thể kể đến là họ cùng gia đình đã bán bản quyền câu chuyện cho một công ty có liên hệ với chính phủ. Sau đó, công ty này đã bán chúng cho Netflix. Theo hợp đồng, họ không được phép kể chuyện công khai trong nhiều năm.
Có thông tin cho biết một số cậu bé và vị huấn luyện viên đã quay trở lại khám phá hang động cùng ông khi thời tiết khô ráo và tỏ ra thích thú.
Ngoài Duangphet Promthep, cậu bé vừa qua đời được nhận vào Học viện Bóng đá Đại học Brooke House ở Anh, Adul Sam-on - người chào các thợ lặn bằng tiếng Anh khi họ tìm thấy đội bóng - hiện theo học tại Dobbs Ferry, New York với học bổng toàn phần. Adul là một trong 3 cậu bé cùng với huấn luyện viên Ekkapol, được nhập quốc tịch Thái Lan sau cuộc giải cứu, theo ABC News.
Adul là học sinh lớp 12, thông thạo 5 thứ tiếng và từng mơ ước trở thành bác sĩ địa phương, theo lời người giám hộ Go Shin Maung. Sau sự cố này, Adul lại hy vọng có thể làm trong lĩnh vực nhân đạo, ví dụ như trong Liên Hợp Quốc.
"Các cậu bé đi theo con đường của riêng mình. Một số theo đuổi việc học, trong khi số khác đi theo con đường bóng đá. Họ vẫn trò chuyện và nhắn tin với nhau, chia sẻ kinh nghiệm", một nhân chứng cho biết.
Câu chuyện về phi vụ giải cứu đội bóng nhí bị mắc kẹt phía trong hang Tham Luang
Những cậu bé đội Wild Boars thời điểm kẹt trong hang. Ảnh: Grunge.
Vào ngày 23/6/2018, 12 thành viên của đội bóng "nhí" Thái Lan Lợn Hoang đã vào hang Tham Luang cùng với huấn luyện viên 25 tuổi của họ, Ekaphol Chantawong. Nhưng cơn ác mộng bắt đầu khi họ bị mắc kẹt trong hang do mưa lớn, nước lũ đột ngột dâng cao trong hang.
Sau đó, một trong những cuộc giải cứu phức tạp và mạo hiểm nhất thế giới đã diễn ra ở hang Tham Luang để đưa các nạn nhân ra ngoài.
Các thành viên của đội bóng đã sống sót sau 9 ngày dài bị mắc kẹt trong hang Tham Luang trước khi họ được tìm thấy mà hầu như không được tiếp tế thức ăn hoặc nước uống.
Theo Mirror, các nạn nhân đã sống sót nhờ một chút đồ ăn nhẹ mang theo, nước từ nhũ đá và thiền định.
Sau khi được giải cứu, các thành viên của đội Lợn Hoang và huấn luyện viên đội bóng đã mô tả cách họ sống sót bằng cách uống nước chảy ra từ nhũ đá trong hang.
Theo đó, ban đầu, đội bóng vào hang khi tổ chức sinh nhật lần thứ 17 cho một trong các thành viên của đội. Cả đội đã cùng nhau mua đồ ăn nhẹ để ăn mừng. Và chính những món ăn nhẹ này đã giúp họ duy trì sự sống khi bị mắc kẹt.
Huấn luyện viên 25 tuổi - người được cho là đã không ăn đồ ăn nhẹ để nhường cho các học trò - đã yếu hơn những người khác khi được giải cứu và đưa ra ngoài.
Trước khi trở thành huấn luyện viên bóng đá, Ekapol đã tu luyện như một nhà sư Phật giáo trong một thập kỷ và có thông tin cho rằng, anh đã giúp bản thân và các học trò giữ bình tĩnh khi họ bị mắc kẹt trong hang. Bằng cách dạy học trò thiền định, Ekapol được cho là đã giúp các nạn nhân tiết kiệm năng lượng, duy trì sự sống cho cơ thể.
Khi đội bóng được tìm thấy, một bác sĩ quân đội Thái Lan và các thợ lặn đã được cử đến cùng với đồ tiếp tế để giúp cả đội sống sót trong khi chờ lực lượng cứu hộ tìm ra kế hoạch giải cứu.
Vào ngày 2/7, các thợ lặn cuối cùng đã tìm thấy đội bóng còn sống sau 9 ngày mắc kẹt trong hang động. Các thợ lặn đã phải lặn gần 4 giờ qua các đường hầm hẹp và ngoằn ngoèo của hang Tham Luang để tìm kiếm các nạn nhân.
Tuy nhiên, phải mất 8 ngày nữa đội bóng bị mắc kẹt cách cửa hang khoảng 4km mới được giải cứu.
Các nhà chức trách đã phải rút một lượng lớn nước lũ ra khỏi hang để lực lượng cứu hộ có thể đến gần các nạn nhân hơn và đến ngày 5/7, họ đã có thể đến được khoang thứ ba, cách các nạn nhân khoảng 1,5km mà không cần thiết bị lặn.
Trong khi đó, các nạn nhân đã được học bơi và lặn để chuẩn bị cho việc giải cứu họ và oxy đã được bơm vào hang để hỗ trợ họ hồi phục sức khỏe.
Nhưng mức oxy bắt đầu cạn kiệt, giảm từ mức bình thường 21% xuống còn 15% và lực lượng cứu hộ đã gần hết thời gian.
Vào ngày 8/7, lực lượng cứu hộ quyết tâm đưa các nạn nhân ra ngoài. Mỗi cậu bé được hai thợ lặn tháp tùng đưa ra ngoài qua các đường hầm tối tăm, chật hẹp, ngập nước.
Phi vụ cứu hộ hang Tham Luang. Ảnh: Grunge.
Một phần quan trọng trong sự thành công của sứ mệnh giải cứu là quyết định mạo hiểm để gây mê cho các cậu bé và huấn luyện viên của họ và đây được đánh giá là một trong những phần khó khăn nhất của chiến dịch giải cứu.
Thợ lặn hang động người Anh Rick Stanton, người đồng thiết kế nhiệm vụ giải cứu đã giải thích với tờ New York Post rằng, đây là giải pháp tối ưu nhất để đưa đội bóng ra khỏi hang an toàn.
"Tôi đã nói với chính quyền rằng cách duy nhất để họ ra ngoài an toàn là gây mê cho họ", Stanton nói.
Người thợ lăn tiếp tục tiết lộ rằng, ban đầu những người khác không đồng ý với ý tưởng này nhưng ông đã giữ vững lập trường và quyết tâm bảo vệ phương án của mình. Ông quả quyết nói: "Những cậu bé này sẽ không thể thoát ra ngoài nếu chúng tôi không thực hiện kế hoạch gây mê cho họ"
Đến ngày 10/7, toàn bộ 12 cậu bé và huấn luyện viên đội bóng Lợn Hoang đã được giải cứu thành công khỏi hang và được chuyển đến bệnh viện để điều trị.
Tuy nhiên, trong quá trình giải cứu các nạn nhân, 2 thợ lặn đã thiệt mạng.
Cựu thợ lặn của lực lượng SEAL Hải quân Thái Lan Saman Kunan đã chết do ngạt thở vào ngày 6/7 khi đang làm nhiệm vụ cung cấp oxy cho các cậu bé trong hang.
Saman đã giao bình dưỡng khí và đang trên đường ra khỏi hang thì bị hết oxy và bất tỉnh.
SEAL Hải quân Thái Lan Beirut Pakbara cũng thiệt mạng một năm sau đó vì nhiễm trùng máu trong quá trình tham gia nhiệm vụ giải cứu đội bóng Lợn Hoang trong hang Tham Luang.
Số người chết do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục gia tăng