Trên tầng ba của một trung tâm cộng đồng ở Dongdaemun, phía đông Seoul, chiếc ghế mátxa kêu ù ù ở lối vào một căn phòng thoáng đãng, nơi trú ẩn mát mẻ giữa cái nóng oi ả của mùa hè ở thủ đô Hàn Quốc giữa tháng 7.
Bên trong trung tâm là những hoạt động thầm lặng: tiếng bíp nhẹ nhàng từ bàn cờ cảm ứng, tiếng trò chuyện nho nhỏ từ khu bếp, tiếng sột soạt của những trang sách được lật mở.

Bà Eom Mi-hui sử dụng ghế mátxa tại trung tâm cộng đồng ở Dongdaemun, Seoul, trong tháng 7. Ảnh: Guardian
Bà Eom Mi-hui, 53 tuổi, thả chân vào bồn ngâm hồng ngoại, vẻ mặt mãn nguyện. "Cảm giác này thật dễ chịu", bà Eom nói. "Cơ thể tôi không được khỏe lắm, nên tôi nghĩ ngâm chân sẽ có ích". Ngâm xong, bà di chuyển sang chiếc ghế mátxa bên cạnh.
Địa điểm này là một trong những "cửa hàng tiện lợi cho tâm hồn" của Seoul, nơi những cư dân đang vật lộn với nỗi cô đơn có thể thoải mái ngồi nghỉ, thưởng thức một bữa ăn đơn giản, xem một bộ phim, hoặc đơn giản là dành thời gian ở cùng mọi người.
Mọi người không bắt buộc phải nói chuyện. Chính quyền lập ra trung tâm với ý tưởng là ngay cả những tương tác thụ động cũng có thể giúp chống lại đại dịch cô đơn ở thành phố. Các chuyên gia tư vấn luôn sẵn sàng cho những ai cần hỗ trợ sâu hơn.
Ở Seoul, nơi có gần 10 triệu dân, các hộ gia đình một người đã tăng vọt từ 16% lên gần 40% tổng số hộ gia đình chỉ trong hơn hai thập kỷ. Khảo sát năm 2022 của Viện Nghiên cứu Seoul cho thấy 62% hộ gia đình một người bày tỏ cảm giác cô đơn, trong khi thành phố ước tính 130.000 thanh niên đang sống tách biệt với xã hội.

Người đến trung tâm xem phim, nghỉ ngơi. Ảnh: Guardian
Trên toàn quốc, hơn 3.600 "cái chết cô độc", thuật ngữ chỉ những người qua đời một mình và không được phát hiện trong thời gian dài, được ghi nhận năm 2023.
Thị trưởng Oh Se-hoon cuối năm ngoái khởi động sáng kiến "Seoul không còn cô đơn", chương trình kéo dài 5 năm với kinh phí 451,3 tỷ won (325 triệu USD) để giải quyết vấn đề này. Ông nhận định "mức độ hạnh phúc thấp, tỷ lệ tự tử cao và bệnh trầm cảm đều liên quan đến sự cô đơn".
Bà Eom, người sống một mình và phải vật lộn với các vấn đề sức khỏe tâm thần, biết đến trung tâm qua một bản tin của quận. "Khi bạn cảm thấy tồi tệ, việc ở nhà chỉ làm mọi thứ tệ hơn", bà nói.
"Thực sự không có nơi nào để đi, ngay cả việc xỏ chân vào giày cũng trở nên khó khăn. Nhưng khi có một nơi như thế này, tôi nghĩ 'Mình sẽ đến đó', và việc bước ra ngoài dường như dễ dàng hơn", bà tâm sự.
Trung tâm ở Dongdaemun là một trong 4 nơi thí điểm mở cửa hồi tháng 3.
Khái niệm "cửa hàng tiện lợi" được sử dụng để tránh kỳ thị, đồng thời được đặt tên theo nét văn hóa đặc trưng của Hàn Quốc. Các pyeonuijeom (cửa hàng tiện lợi) là những điểm đến quen thuộc trong khu phố, nơi mọi người thường ghé vào bất cứ lúc nào trong ngày để mua đồ ăn vặt hoặc đồ uống.

Yoo Dong-heon, người giám sát hoạt động tại cửa hàng tiện lợi cho tâm hồn ở Dongdaemun, đang thực hiện bài đánh giá ngắn gọn về sự cô đơn. Ảnh: Guardian
"Nó giống như sự kết hợp giữa một quán cà phê và một cửa hàng tiện lợi", bà Eom nói.
"Trước đây, các chính sách về cô đơn thường dành cho những người đang trong tình trạng thiếu kết nối với xã hội hoặc gặp khủng hoảng tâm lý", ông Kim Se-heon, đại diện cơ quan Phòng chống Cô đơn mới thành lập của chính quyền Seoul, cho biết. "Nhưng chúng tôi nhận ra cái cần giải quyết là nỗi cô đơn, tức là trạng thái cảm xúc chủ quan tồn tại trước cả khi một người tự cô lập và thu mình lại".
Bên cạnh cửa hàng tiện lợi, thành phố còn triển khai một số chương trình khác, trong đó có đường dây nóng hoạt động 24/7 chuyên tư vấn về nỗi cô đơn hồi tháng 4.
Đến đầu tháng 7, dịch vụ này đã nhận được hơn 10.000 cuộc gọi, vượt xa mục tiêu năm là 3.000 cuộc. Gần 6.000 cuộc gọi là từ những người cảm thấy cô đơn và cần trò chuyện, trong đó 63% là người trung niên, 31% là thanh niên và chỉ 5% là người cao tuổi.
Tại trung tâm cộng đồng ở Dongdaemun, khách đến cần hoàn thành bài đánh giá mức độ cô đơn gồm 5 câu hỏi trước khi sử dụng tiện ích. Họ có thể tự nấu mì gói được cung cấp miễn phí, với tần suất bữa ăn phụ thuộc vào mức độ được đánh giá.

Mì ăn liền trong trung tâm cộng đồng ở Dongdaemun. Ảnh: Guardian
Ông Lee Won-tae, 51 tuổi, cho biết trung tâm đã nhanh chóng trở thành một phần trong thói quen sinh hoạt hàng ngày. Là người mới chuyển đến khu vực và đang dần xây dựng các mối quan hệ, ông ghé thăm gần như mỗi ngày trong lộ trình luyện tập đi bộ.
"Tôi chưa có nhiều bạn thân", ông nói. "Tôi đi bộ rất nhiều, nhưng khi đi quá xa thì lại thấy khó khăn. Tôi đến đây, nghỉ ngơi một chút, rồi lại đi tiếp".
Giống như bà Eom, ông không có nhu cầu phải trò chuyện hay kết thân với ai một cách sâu sắc. "Chỉ cần có thể nghỉ ngơi ở một nơi như thế này với tôi là đủ", ông nói.
Yoo Dong-heon, nhân viên công tác xã hội quản lý trung tâm Dongdaemun và cung cấp tư vấn cho khách, cho biết nhu cầu đã vượt xa kỳ vọng khi số lượng người đến đây hàng ngày tăng đều đặn.
"Mọi người không chỉ đến từ các quận khác ở Seoul mà còn từ các thành phố bên ngoài thủ đô như Gimpo, Uijeongbu và thậm chí cả Ansan", ông nói.
"Sáng nay, có một người từng tự tử bất thành nhiều lần đến đây, trên tay vẫn còn vết thương", ông kể. "Đối với những trường hợp như vậy, chúng tôi lập tức kết nối họ với các dịch vụ phúc lợi".
Là một tình nguyện viên "tư vấn hoạt động chữa lành" tại trung tâm, bà Lee In-sook không đưa ra những giải pháp tức thời, mà chỉ làm cho họ cảm thấy được thấu hiểu rằng từng có người lâm vào hoàn cảnh như họ.
10 năm trước, cuộc hôn nhân kéo dài hơn 20 năm của bà kết thúc. Phải một mình nuôi hai đứa con và không có hỗ trợ tài chính, bà rơi vào tuyệt vọng.
"Tôi bất lực và không muốn làm bất cứ điều gì", bà nhớ lại. "Nhưng tôi phải nuôi con, nên tôi phải vực dậy tinh thần".

Bà Lee In-sook dựa vào kinh nghiệm của bản thân để tư vấn cho người khác đang gặp khó khăn về tâm lý tại trung tâm. Ảnh: Guardian
Quá trình hồi phục của bà rất dài và khó khăn, nhưng giờ đây, bà dùng chính kinh nghiệm đó để hướng dẫn người khác.
"Người trẻ lo lắng về công việc và tương lai. Người trung niên đối mặt với khó khăn kinh tế và buộc phải nghỉ hưu. Người già phải vật lộn với đói nghèo và các vấn đề sức khỏe", bà nói.
Bà làm việc tại trung tâm mỗi tuần một lần, đưa ra phương pháp xây dựng dựa trên sự kiên nhẫn.
"Một số người đến đây ban đầu không nói chuyện với người lạ. Đó là bình thường. Nhưng dần dần, khi họ quen với không gian này, họ bắt đầu cảm thấy thoải mái để chia sẻ", bà nói.
Đối với bà, trung tâm đại diện cho một điều mà các dịch vụ khác thường bỏ lỡ, đó là sự kết nối con người chân thật. "Điều này có tiền cũng không mua được", bà nói.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)