Thợ điện ngày 8/7 cắm cột điện xuống nền đất màu cam của Xứ Navajo và kéo dây cáp đến nhà bà Christine Shorty, đem điện đến cho bà để chống chọi với cái nóng thiêu đốt của sa mạc Arizona. Đây là điều xa xỉ tại nơi có hơn 10.000 gia đình vẫn sống trong cảnh không điện nên cũng không có điều hòa không khí.

"Biến đổi khí hậu đang diễn ra. Trời ngày càng nóng hơn", bà Shorty nói. "Có quạt máy và có lẽ là cả điều hòa nữa thì cuộc sống của chúng tôi mới dễ thở hơn. Chúng tôi rất mong chờ có điện".

Xứ Navajo là lãnh thổ rộng 71.000 km2 của người Mỹ bản địa, gồm phần đông bắc Arizona, đông nam Utah và tây bắc New Mexico. Đây là khu vực sinh sống lớn nhất của người Mỹ bản địa, với dân số hơn 170.000 người.

Chính quyền Xứ Navajo có ba nhánh hành pháp - lập pháp - tư pháp, theo mô hình tương tự chính phủ Mỹ. Họ có quy chế bán tự trị, với quyền lập pháp riêng, kiểm soát đất đai, tài nguyên và hệ thống pháp lý trong lãnh thổ Navajo. Tuy nhiên, các chương trình giáo dục, y tế và ngân sách thường phụ thuộc một phần vào viện trợ liên bang.

AFP-20250713-66KQ8T6-v1-HighRe-7686-1581-1752466166.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4-6QL-zVHxg3t531aPOBew

Cole Garcia, nhân viên công ty điện lực Mojave, thi công trên một cột điện để kết nối lưới điện cho các cư dân Xứ Navajo tại Tonalea, bang Arizona, hôm 8/7. Ảnh: AFP

Trong 70 năm cuộc đời, bà Shorty đã chứng kiến khí hậu tại ngôi làng nhỏ biệt lập Tonalea thay đổi rõ rệt.

Những trận mưa mùa hè ngày càng hiếm, nhiệt độ có thể chạm ngưỡng 40 độ C vào tháng 7 và tháng 8, điều không tưởng trước đây tại ngôi làng nằm trên cao nguyên ở độ cao 1.730 m. Các hồ nước đáng lẽ phải đầy nước theo mùa trong khu vực đang khô cạn, có những năm gia súc chết khát.

Giống nhiều người trong làng, nhà bà Shorty có một máy phát điện và lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời nhỏ, đủ để chạy một chiếc tủ lạnh, nấu ăn và xem tivi. Nhưng công suất phát điện có hạn, bà thường xuyên phải lựa chọn nên cắm thiết bị nào.

Được kết nối với lưới điện là "thay đổi lớn, giúp cuộc sống của tôi thuận tiện hơn rất nhiều", bà nói.

Đa số các khu vực ở Mỹ đã kết nối với lưới điện vào những năm 1930 nhờ sáng kiến trong chính sách New Deal của tổng thống Franklin Roosevelt.

Nhưng tại Xứ Navajo, mãi đến những năm 1960 mới bắt đầu nối điện cho người dân và hệ thống đường dây truyền tải điện vẫn chưa đủ.

"Khu vực này đã bị bỏ qua", bà Deenise Becenti, nhân viên Cơ quan Tiện ích Bộ lạc Navajo (NTUA), đơn vị quản lý cơ sở hạ tầng của khu tự trị, nói. "Điều đó làm nhiều người ngạc nhiên. Họ hỏi tại sao ngay ở Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, lại có những nơi không có điện như những nước chưa phát triển?"

AFP-20250713-66KT7WE-v1-HighRe-5068-1243-1752466166.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hQZW--NnytfZybZJ2TypgA

Bà Christine Shorty, 70 tuổi, cư dân Xứ Navajo, lần đầu tiên trong đời bật công tắc điện trong nhà của mình tại Tonalea, bang Arizona, hôm 8/7. Ảnh: AFP

Chính quyền khu vực năm 2019 khởi động dự án "Thắp sáng Navajo", kêu gọi các công ty điện lực cử nhân viên đến làm việc tại lãnh thổ bán tự trị mỗi năm 12 tuần. Từ đó tới nay, 5.000 hộ gia đình đã được cấp điện, trong đó 1.000 hộ có điện nhờ dự án.

Nhưng trong bối cảnh biến đổi khí hậu đẩy nhiệt độ lên cao hơn, những gia đình vẫn chưa có điện đang trong "chế độ sinh tồn", bà nói.

Ngôi nhà di động của ông Elbert Yazzie như lò lửa vào mùa hè. Một người thân của ông qua đời vì sốc nhiệt.

"Tôi từng thích cái nóng", người đàn ông 54 tuổi sống ở thành phố Tuba gần đó chia sẻ. "Nhưng khi ta già đi, cơ thể không chịu nóng được nữa".

Vài tuần trước, nhà của ông cuối cùng cũng được kết nối điện. Kể từ đó, ông tự chế quạt hơi nước bằng cách tận dụng ba thiết bị hỏng từ một bãi rác.

"Giờ đây chúng tôi có thể bật điều hòa bất cứ lúc nào mình muốn, không cần phải lo lắng về cái nóng, về máy phát điện và xăng dầu", ông nói. "Giờ chúng tôi không cần phải đến nhà người khác để giải nhiệt, chúng tôi có thể ở nhà, thư giãn, xem tivi..."

Ông và bà Shorty là những người may mắn. Bà Becenti cho hay nếu không có thêm kinh phí, việc kết nối điện cho 10.000 hộ gia đình còn lại ở Navajo có thể mất thêm hai thập kỷ nữa.

AFP-20250713-66KR39N-v1-HighRe-8937-5450-1752466166.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=r1ETaWqoVMsb-79fbeXiXQ

Gilberta Cortes, 42 tuổi, bế con bên ngoài nhà riêng tại Cameron, bang Arizona, hôm 9/7. Ảnh: AFP

Đó là thời gian quá dài đối với Gilberta Cortes, người không còn dám cho con cái chơi ngoài trời vào mùa hè vì sợ các con bị chảy máu cam do nắng nóng.

Một cột điện vừa được dựng lên trước nhà người phụ nữ 42 tuổi này và đường dây dự kiến được kéo đến nhà cô trong vài tháng tới. Nhưng Cortes chẳng còn thấy háo hức vì đã thất vọng quá nhiều lần.

"Thời cha mẹ tôi còn trẻ, độ ngoài 20 tuổi, họ đã được hứa hẹn sẽ có điện nhưng lời hứa đó không bao giờ thành hiện thực", cô nói. "Tôi vẫn còn tức giận".

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022