Truyền thông Ấn Độ đưa tin, một cuộc thi sắc đẹp ở bang Punjab (Ấn Độ) đang gây tranh cãi vì tiêu chí dự thi và giải thưởng. Theo đó, tấm áp phích quảng cáo về cuộc thi nhấn mạnh rằng "chỉ những cô gái đẹp mới được tham gia" và người chiến thắng sẽ có cơ hội kết hôn với chú rể sống ở Canada.
Ngay lập tức cuộc thi này đã khiến dư luận Ấn Độ bất bình. Nhiều ý kiến cho rằng, đây chẳng khác nào như một cuộc thi tuyển chồng trá hình cho những cô gái muốn đổi đời. Các nhà hoạt động xã hội, tổ chức vì quyền phụ nữ đã mạnh mẽ chỉ trích cuộc thi nhan sắc ở Punjab hạ thấp giá trị của phụ nữ.
Trước tình hình này, cảnh sát Ấn Độ đã mở cuộc điều tra và bắt giữ cha con Surinder Singh và Dayal Singh, hai người đứng sau cuộc thi sắc đẹp nói trên. Quy trình lấy lời khai đang được tiến hành.
Các tấm áp phích về cuộc thi tuyển vợ cho người ngoại quốc xuất hiện trên đường phố.
Góc khuất nhức nhối
Các cuộc thi sắc đẹp giờ đây không còn xa lạ với nhiều người. Trên khắp thế giới hàng năm đều diễn ra một loạt các cuộc tranh tài từ nhỏ đến lớn, từ cấp địa phương cho đến toàn cầu. Không thể phủ nhận rằng, những cuộc thi sắc đẹp này đã giúp nhiều thí sinh tỏa sáng và làm thay đổi cuộc đời họ.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là không phải cuộc thi nào cũng nhằm mục đích tôn vinh và nâng cao những giá trị, phẩm chất của người phụ nữ mà thay vào đó chúng lại diễn ra với một số góc khuất phía sau.
Janina San Miguel đã giành được vương miện của một trong những cuộc thi sắc đẹp danh giá nhất Philippines khi mới 17 tuổi. Nhờ thành công này mà cô được đại diện cho đất nước tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Nhưng 3 tháng ngắn ngủi sau cuộc thi ấy, cô đã khiến người hâm mộ ngỡ ngàng khi quyết định trả lại vương miện, quay lưng lại với sự nổi tiếng và những lời hứa hẹn đầy hấp dẫn.
" Nếu có cơ hội quay ngược thời gian, tôi ước mình không bao giờ tham dự cuộc thi ", cựu nữ hoàng sắc đẹp nói.
Janina San Miguel đã từ bỏ ánh hào quang để lựa chọn cuộc sống khác.
Trước đó, Janina San Miguel đã đưa ra lý do cá nhân để trao trả vương miện. Song trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2020 với chương trình Undercover Asia, cô đã phá vỡ im lặng, tiết lộ sự thật đằng sau quyết định gây nhiều tranh cãi ấy. Janina San Miguel đã kể lại trải nghiệm của mình trước những lời đề nghị khiếm nhã cũng như các biện pháp kiểm soát chặt chẽ của ban tổ chức cuộc thi. Tất cả điều đó khiến cô từ bỏ danh vọng.
" Tôi nhận được rất nhiều đề nghị không mấy vui vẻ. Một người nào đó muốn tôi làm bạn gái của anh ta với giá 501.000 USD (hơn 12 tỷ đồng). Đây là mặt trái của các cuộc thi sắc đẹp. Có rất nhiều người muốn một nữ hoàng sắc đẹp làm bạn gái hoặc vợ của họ ", Janina cho biết.
Ở Venezuela, một trong những cái nôi đào tạo ra hoa hậu, cũng tồn tại một góc khuất. Tờ NBC News đưa tin, nhiều phụ nữ nơi đây đã tìm kiếm những người đàn ông khá giả để hỗ trợ họ trong các cuộc thi hoa hậu. Tại quốc gia này, sự cạnh tranh đi kèm với cái giá rất đắt: Những bộ trang phục lấp lánh hay những ca thẩm mỹ thay đổi nhan sắc là điều ngoài tầm với của đa phần các thí sinh.
Nếu như họ muốn giành chiến thắng, một bước trở thành ngôi sao thì bắt buộc họ phải có 'nhà tài trợ' cho riêng mình. Patricia Velasquez, một thí sinh trong cuộc thi Hoa hậu Venezuela năm 1989, đã viết trong hồi ký của mình về việc cô đã bắt đầu mối quan hệ với một người đàn ông lớn tuổi để tham gia cuộc thi sắc đẹp. Người đàn ông này đã tìm cho cô một căn hộ ở Caracas và trả tiền cho ca phẫu thuật thẩm mỹ của Patricia Velasquez.
Số lượng nhiều hơn chất lượng
Quay trở lại với Ấn Độ, một trong những quốc gia sở hữu nhiều hoa hậu quốc tế nhất hiện nay, việc xuất hiện tràn lan các cuộc thi với những tiêu chí không phù hợp đã khiến giá trị của chúng giảm dần theo thời gian.
Theo truyền thông Ấn Độ, 10 năm qua, sự quan tâm của công chúng Ấn Độ với các cuộc thi sắc đẹp và sức hút của các đấu trường sắc đẹp không còn mạnh mẽ như trước.
Nói về lý do các cuộc thi sắc đẹp ngày càng mất đi sự hấp dẫn, một cây bút nổi tiếng của Ấn Độ - Kiran Manral nêu ý kiến: " Tôi nghĩ phần lớn liên quan đến thực tế là các cuộc thi hoa hậu đánh giá phụ nữ qua vẻ đẹp bên ngoài của họ. Thế hệ này có thể sẽ thấy không ổn với việc mọi người đánh giá, xếp hạng vẻ đẹp của ai đó ".
Ngày nay có quá nhiều thứ hấp dẫn dành cho giới trẻ, những tiêu chuẩn sắc đẹp của các cuộc thi đã trở thành một khái niệm lỗi thời. Phụ nữ ngày nay đang làm chủ bản thân, cho dù họ có phù hợp với những gì được coi là đẹp hay không. Họ đang định nghĩa cho riêng mình về vẻ đẹp và điều đó đang trao quyền không chỉ cho thế hệ phụ nữ hiện nay mà còn cả thế hệ sau họ.
Các cuộc thi sắc đẹp phát triển ồ ạt mà không chú trọng chất lượng. Tình trạng "bội thực" hoa hậu cũng khiến các cuộc thi giảm chất lượng, thí sinh giảm nhiệt huyết. Năm 2019, cuộc thi Hoa hậu Ấn Độ từng bị dư luận nước này chỉ trích vì 30 thí sinh vào chung kết giống nhau như được tạo ra từ một khuôn.Hoa hậu Ấn Độ 2001 - Celina Jaitly cho hay: " Khi tham gia cuộc thi, mục đích của chúng tôi là làm cho đất nước Ấn Độ tự hào. Sự cam kết và kỷ luật của chúng tôi cũng đến từ nhiều năm làm việc chăm chỉ trong ngành công nghiệp người mẫu trước khi tham dự cuộc thi. Trong khi đó, các thí sinh ngày nay chỉ coi đó là con đường để họ đến với điện ảnh hay đổi đời ".
Sushmita Sen - Hoa hậu Hoàn vũ 1994 cũng có nhận định tương tự. Cô tin rằng, những cô gái ngày nay dường như không hiểu những điều cần thiết để trở thành hoa hậu thực thụ. Với họ, tham gia các cuộc thi nhan sắc đồng nghĩa với việc muốn vẻ đẹp của mình được tôn vinh và đặc biệt là tìm cơ hội đổi đời.