Nghệ sĩ cho biết từ sau Tết Nguyên đán, nhiều khách thập phương liên lạc, ngỏ ý đến tham quan công trình. Tuy nhiên, một số hạng mục còn dang dở, công tác đón tiếp chưa chu toàn nên Xuân Hinh chưa mở cửa cho công chúng, chỉ đón một số người thân.

bao-tang-dao-mau-hang-nghin-met-vuong-cua-xuan-hinh-1711002911.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QNwC1b1cASz8n59PWh-RJw
Bảo tàng đạo mẫu hàng nghìn mét vuông của Xuân Hinh

Xuân Hinh dẫn người quen tham quan một phần Bảo tàng đạo Mẫu. Video: Nhân vật cung cấp

Công trình nằm giữa vườn cây ăn quả 50 năm tuổi. Khi xây dựng, kiến trúc sư và thợ không chặt phá cây mà nương theo vị trí của từng cây để xây tường, hàng rào. Bao quanh là bức tường trồng cây vẩy ốc, tuổi đời 20 năm.

Để xây bảo tàng, Xuân Hinh mất nhiều công sức gom năm triệu viên ngói cổ, hơn một triệu viên gạch thất từ 500 hộ dân khắp nước. Hồi nhỏ, nghệ sĩ từng đi làm ngói thuê. Sau này, khi thấy nhiều nhà cổ xây bằng gạch, ngói bị phá hủy trong quá trình đô thị hóa, anh nảy ra ý tưởng thu gom để xây dựng lại.

Xua-n-Hinh-1-jpeg-8825-1711002256.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DRXSd3kUftwZnbnqadfimg

Xuân Hinh giữa một góc bảo tàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo Xuân Hinh, đạo Mẫu là tín ngưỡng bản địa của người Việt. Anh nhiều năm được mời hầu đồng, hát văn, tham gia các lễ hội, "ăn lộc của Mẫu nên muốn trả ơn bằng việc xây bảo tàng". Các khu vực chính gồm phòng thờ tam tòa thánh mẫu, phòng thờ các tổ mẫu, linh từ Uống nước nhớ nguồn, phòng trưng bày hiện vật.

Phòng trưng bày có nhiều bức tranh liên quan đạo Mẫu, hoành phi câu đối, khăn áo, chiếu nằm thời xưa. "Trong nhiều năm đi diễn, tôi gom góp từng kỷ vật mang tâm hồn người Việt, muốn lớp trẻ khi nhìn thấy sẽ thêm yêu văn hóa dân tộc", nghệ sĩ nói.

Xuân Hinh xây một thư viện, lưu giữ sách về hát văn, hầu đồng, quan họ, nhiều bức tranh cổ, liên quan các loại hình nghệ thuật dân gian. Anh cho biết nếu còn khỏe mạnh sẽ mời những nghệ nhân có kinh nghiệm, truyền nghề cho các cháu bé có năng khiếu nhưng hoàn cảnh khó khăn, vừa học nghề, vừa bảo tồn văn hóa.

Ngoài các khu vực thờ Thánh Mẫu, người mẹ trong tâm tưởng, Xuân Hinh có một gian phòng tôn vinh những người mẹ Việt Nam hiện đại. Anh trưng bày tượng, các đồ vật gắn với nền nông nghiệp, bếp núc của phụ nữ Việt như cối xay, nồi niêu, dần, sàng.

Ở một góc bảo tàng, nghệ sĩ đặt chiếc xe kéo - đạo cụ của anh trong vở Người ngựa, ngựa người. Xuân Hinh biết ơn khán giả yêu quý vở diễn suốt mấy chục năm, giúp anh có thêm thu nhập để xây bảo tàng. Trong khuôn viên, diễn viên đào ao, đặt nhiều chum cổ. Ngoài ra, nghệ sĩ cũng xây thêm khu nhà ở, phòng bếp, phục vụ nhu cầu riêng của gia đình.

Năm 2023, Bảo tàng Đạo Mẫu được Domus - tạp chí thiết kế và kiến trúc uy tín của Italy - xếp vào top 14 dự án tốt nhất năm. Nguyễn Hà - người thiết kế công trình - cũng nhận giải thưởng Moira Gemmill - dành cho kiến trúc sư dưới 45 tuổi trên toàn thế giới có triển vọng.

Ba-o-ta-ng-jpeg-1735-1711003017.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eB5EpiDI7ZxWgIbMZUmppw

Bảo tàng có các tòa tháp, xây giữa vườn cây tự nhiên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tín ngưỡng thờ Mẫu bao gồm các lễ cúng, lên đồng, hát văn và lễ hội, tiêu biểu là lễ hội Phủ Dầy ở tỉnh Nam Định diễn ra vào ngày 3/3 âm lịch (ngày mất của Thánh Mẫu Liễu Hạnh). Các thực hành thể hiện những yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, múa, diễn xướng dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt, được sáng tạo, phát triển, lưu truyền qua các thế hệ hàng trăm năm. Năm 2016, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Xuân Hinh, 64 tuổi, được khán giả xưng tụng là "Vua hài đất Bắc" nhưng thường tự nhận mình là "Kẻ chọc cười dân dã". Tên tuổi anh gắn liền với nhiều làn điệu chèo cổ, các ca khúc dân ca quan họ, bài xẩm, chầu văn. Nghệ sĩ được nhớ tới nhiều nhất qua các tác phẩm Thị Màu lên chùa, Thầy bói đi chợ, Người ngựa, ngựa người. Anh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1997.

Hà Thu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022