Đạo diễn – diễn viên Trần Được không phải là cái tên được nhiều khán giả biết tới, cũng không phải là gương mặt "phổ thông" với giới showbiz hào nhoáng ở Sài Gòn nhưng anh được đồng nghiệp ngầm phong tặng danh hiệu "ông hoàng quảng cáo" bởi hình ảnh của anh xuất hiện khắp cả nước.
Anh là gương mặt đại diện cho rất nhiều thương hiệu lớn ở Việt Nam như: Vietnam Airlines, Knorr, Yamaha, VinaCafe, Dầu nhờn Castrol, Unilever, Jollibee, tập đoàn Hòa Phát, Acecook, Bia 333, trà Dr.Thanh, Viettel, Mắt kính Việt...
Cũng nhờ đóng quảng cáo mà Trần Được mua nhà, mua xe chỉ sau 2 năm vào Sài Gòn lập nghiệp, trong khi nhiều đồng nghiệp khác ở nghề múa rối sống chật vật, phải chạy grab hoặc làm các công việc chân tay khác.
Thế nhưng, để có được thành công ấy, đạo diễn Trần Được đã phải nỗ lực rất nhiều, hy sinh rất nhiều, thậm chí phải đánh đổi bằng cả hạnh phúc gia đình của mình.
Từ tiếp thị sữa, giao hàng, bồi bàn tiệc cưới trở thành MC "đại gia"
Trần Được nuôi ước mơ trở thành diễn viên từ khi còn học phổ thông, nhưng hai năm thi vào trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội là hai lần bị trượt. Thay vì bỏ cuộc, về làm Cảnh vệ Lăng theo định hướng của gia đình, Trần Được quyết tâm đi làm thêm, học thêm diễn xuất và nghề MC để tích lũy kinh nghiệm cho lần thi thứ ba.
Trần Được đắt show làm MC tiệc cưới, sự kiện từ thời sinh viên. (ảnh trong bài do NVCC)
Trong 2 năm thi trượt đại học, Trần Được làm đủ thứ nghề để nuôi bản thân và có tiền đi ôn luyện diễn xuất: từ tiếp thị sữa, bảo vệ, giúp việc trong tiệm tạp hóa vào dịp Lễ, Tết, ship hàng, bồi bàn tiệc cưới.
Và may mắn cũng mỉm cười khi anh và 23 bạn khác xuất sắc vượt qua 3.000 thí sinh để trở thành sinh viên lớp diễn viên K26 trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội do Đạo diễn – NSƯT Lê Chức làm chủ nhiệm.
Thời sinh viên cũng là thời huy hoàng của Trần Được. 4 năm học đại học, khi các bạn cùng lớp phải sống bằng đồng tiền từ gia đình chu cấp thì Trần Được đã được xem là "đại gia" của lớp nhờ nghề MC tiệc cưới, MC sự kiện.
Nhờ ngoại hình sáng, điển trai và lối ăn nói thu hút, Trần Được là MC chính của hầu hết các nhà hàng khách sạn sang trọng chuyên tổ chức sự kiện, tiệc cưới ở Hà Nội lúc bấy giờ với mức thu nhập có khi 2 đến 3 triệu một ngày. Mà khoảng năm 2006 tới 2010, một phần cơm bình dân chỉ tầm 5.000 đến 10.000 đồng.
Anh tâm sự: "Tôi làm MC chính ở hầu hết các nhà hàng lớn tại Hà Nội và sống rất tốt nhờ công việc này. 4 năm học đại học, nhờ làm MC, tôi ăn tiêu khá thoải mái. Và cả nhiều năm sau đó, tôi vẫn có một mức thu nhập tốt so với mọi người. Thậm chí, tôi còn làm bầu về MC, giới thiệu show cho đàn em đi dẫn".
Làm múa rối được 1 năm, anh định từ bỏ nghề vì quá cực khổ
Từng muốn bỏ nghề vì quá cực khổ mà khán giả không biết mặt
K26 được đánh giá là lớp diễn viên được đánh giá là thanh sắc vẹn toàn, tiếc rằng sau khi ra trường, chỉ có chưa đến 10 người còn làm nghề. Số còn lại, vì kinh tế, vì gia đình mà phải dừng niềm đam mê diễn xuất lại.
Trong khi một số bạn đầu quân về Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Kịch Quân đội thì Trần Được lại chọn Nhà hát Múa rối Thăng Long để gắn bó.
Năm 2010, Nhà hát múa rối Thăng Long đang rất cần diễn viên kịch và cho tới tận bây giờ, đây vẫn là nơi duy nhất sáng đèn cả 365 ngày, thậm chí có nhiều ngày diễn 6 suất liên tục để phục vụ khách du lịch. Với 'profile' đó, Trần Được gật đầu ngay khi được sự gợi ý của thầy Nguyễn Đình Thi – nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội.
Thế nhưng, sau khoảng 1 năm đầu quân về đây, Trần Được định bỏ nghề vì... quá khổ cực. Anh kể: "Tôi đang là diễn viên kịch nói – một công việc rất nhẹ nhàng, sạch sẽ khi được đóng ông vua, hoàng tử, đi phim cũng được cung phụng sung sướng nhưng khi về Nhà hát múa rối tôi bị hụt hẫng.
Thứ nhất, mình không được đưa mặt ra cho khán giả thấy, không ai biết mình là ai. Thứ hai, ngày ngày phải ngâm mình trong nước, điều khiển chiếc sào rối rất nặng.
Ngày nào cũng diễn từ 1h chiều tới 10h đêm, mỗi suất 45 phút. Khi diễn nhiều, bàn tay bị phồng rộp lên rất đau, đau tới mức không cầm nắm được gì. Đau tới phát khóc. Về nhà chỉ muốn nằm vật ra, không còn sức làm gì nữa vì quá mệt.
Chưa kể vào mùa đông, dù đã mặc bao nhiêu đồ ấm, tay đeo găng, mặc cả đồ bảo hộ chống thấm nước nhưng mình vẫn lạnh không chịu được. Cóng cứng cả người. Làm được chừng 1 năm, tôi nản và định bỏ nghề vì quá cực khổ.
Nhưng những vinh quang mà nghề đem lại đã níu bước chân anh. Trần Được 2 lần được trao HCV cá nhân tại Liên hoan Múa rối quốc tế năm 2012 và 2018.
Và cho anh niềm đam mê, tình yêu thật sự với múa rối.
Khi tôi định bỏ nghề thì đạo diễn - NSND Nguyễn Hoàng Tuấn nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long động viên tôi cố gắng. Nghe lời chú, tôi ở lại. Và khi vượt qua được cái ngưỡng khó khăn đó thì cũng là lúc mình thấy yêu cái nghề múa rối này.
Đồng thời lúc đó, nghề cũng mang lại cho tôi vinh quang khi được chiếc Huy chương vàng đầu tiên tại Liên hoan Múa rối quốc tế năm 2012. Nhờ vậy, mình có động lực và thêm yêu nghề hơn, nỗ lực học hỏi để nâng cao chuyên môn và có những thành tích nhất định".
Sau thành tích này, Trần Được quyết định học lên Thạc sĩ Nghệ thuật và tốt nghiệp với luận văn nghiên cứu về múa rối tại Việt Nam. Anh học tiếp chuyên ngành Đạo diễn điện ảnh truyền hình nhưng giữa chừng phải dừng lại vì một biến cố xảy ra.
NSƯT Hữu Quốc: "Phải che đậy giới tính thật là một nỗi khổ tâm rất lớn"
Đạo diễn Quốc Thảo: Biên tập đưa kịch bản cho ngôi sao, họ quăng đi
Diễn viên Cẩm Hò đau lòng chuyện ở "Ơn giời cậu đây rồi": Em bị lôi ra hành lang chửi!
Dù vậy, Trần Được vẫn tiếp tục nỗ lực vì nghệ thuật. Năm 2018, anh nhận chiếc Huy chương vàng thứ hai trong sự nghiệp của mình khi tham gia Liên hoan Múa rối quốc tế tại Hà Nội và nhận bằng khen từ thành phố.
Tình yêu dành cho múa rối của anh cứ thế lớn dần lên và dù trải qua bao cực khổ, anh cũng không từ bỏ. Khi chuyển công tác về Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, anh dựng nhiều vở kịch rối cho đơn vị này.
Anh nói: "Về đây, tôi được thể hiện mình hơn, được dựng nhiều vở mình yêu thích như vở rối nước "Tinh hoa đất Việt", ba vở rối cạn: "Thánh Gióng", "Tiếng hót chim sáo vàng" và "Gala phù thủy". Tôi cũng được đạo diễn một vở Kịch Xiếc để bán vé "Giấc mơ nàng tiên cá". Gần nhất, tôi làm phó đạo diễn cho chương trình múa rối và xiếc "Mekong show".
Lương thua công nhân vẫn là đại gia nhờ... đắt show quảng cáo
Cuối năm 2017, Trần Được quyết định Nam tiến giữa lúc sự nghiệp đang thăng hoa ở Hà Nội. Anh khăn gói vào Sài Gòn với hai bàn tay trắng cùng một khoản nợ lên tới vài trăm triệu đồng vì làm ăn thua lỗ. Dẫu nhận mức lương chỉ bằng phân nửa so với ở Hà Nội nhưng Trần Được vẫn quyết định ra đi để làm lại từ đầu.
Dù yêu nghệ thuật truyền thống là múa rối nhưng đóng quảng cáo mới là nguồn thu nhập chính và cho Trần Được cuộc sống giàu có, yên ổn như hiện nay.
Anh thường được giao vai ông bố trong gia đình mẫu mực hay doanh nhân thành đạt trong các clip quảng cáo.
Anh được Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam – nơi công tác mới của anh tại Sài Gòn sắp xếp cho ở trong khu tập thể cơ quan. Cũng giống như sân khấu kịch nói hay cải lương, xiếc... múa rối ở Sài Gòn rất ít khán giả. Nghệ sĩ múa rối vì thế cũng sống với mức thu nhập thấp, đời sống vô cùng khó khăn.
Giữa đất khách quê người, chỉ có một thân một mình, nhiều lúc anh cũng tủi thân nhưng đã lựa chọn thì phải sống chết với lựa chọn ấy. Anh quyết định tự mình tìm kiếm cơ hội cải thiện thu nhập từ những công việc khác.
Dù đồng nghiệp ở Sài Gòn nhiều nhưng anh không nhờ vả. Anh sợ họ giới thiệu show cho mình thì chính họ bị mất show nên tự mình đi tìm việc bằng những vai quần chúng với cát-xê 100.000 đồng.
Vụ bán dâm 30.000 đô, Hoàng Mập nói lên quan điểm bất ngờ
Cát Tường làm host chương trình "Hạnh phúc ở đâu"
Quách Ngọc Tuyên dốc hết tiền tiết kiệm, vay bố 200 triệu làm phim: "Tôi buồn và lo lắng"
"Tôi đăng ký đi làm diễn viên quần chúng. Tôi muốn tìm hiểu môi trường làm phim trong này. Khi khăn gói Nam tiến, tôi xác định mình làm lại từ con số 0, xem mình như một sinh viên mới ra trường. Tôi không giới thiệu mình là ai và làm gì.
Công việc của một diễn viên quần chúng cho tôi cái nhìn bao quát về môi trường làm phim trong này, có cơ hội gặp gỡ các đạo diễn và đồng nghiệp.
Đi diễn quần chúng, cát xê chỉ có 100.000 đồng, đi xe bus, grab đã hết 150.000 đồng, rồi quay đêm hôm rất mệt... nhưng đó là những trải nghiệm quý báu mà tôi luôn trân trọng", anh kể.
Sau 2 tháng làm diễn viên quần chúng, anh bắt đầu có những mối quan hệ mới ở showbiz phía Nam. Nhờ ngoại hình điển trai, thu hút người đối diện ngay từ cái nhìn đầu tiên, Trần Được được các công ty chuyên casting quay quảng cáo chú ý. Anh đầu quân về những công ty này và nhanh chóng trở thành diễn viên chính trong các quảng cáo của nhiều thương hiệu lớn.
"Sau 2 tháng đi đóng quần chúng, tôi đầu quân về các công ty chuyên casting quay quảng cáo. Tôi nhanh chóng trở thành diễn viên chính cho các quảng cáo trên truyền hình. Mọi người gọi tôi là "ông bố quốc dân" vì chuyên được chọn vào vai người chồng, người cha trong gia đình mẫu mực hoặc doanh nhân thành đạt trên truyền hình.
Tôi quay rất nhiều cho các nhãn hàng lớn, làm hình ảnh đại diện cho Vietnam Airlines, Knorr, Yamaha, VinaCafe, Dầu nhờn Castrol, Unilever, Jollibee, tập đoàn Hòa Phát, Acecook, bia 333, trà Dr.Thanh, Viettel, Mắt kính Việt... và rất nhiều ngân hàng, thương hiệu khác.
Đó là nghề tay trái và nuôi sống tôi thời gian gần đây. Nhờ công việc này, tôi vừa có vốn sống, vừa có kinh tế để nuôi nghề chính của mình là múa rối, nhất là thời gian này, khi khán giả đến xem múa rối rất ít", đạo diễn Trần Được chia sẻ.
Trần Được ở giữa trong hình ảnh ngôi sao 5 cánh của hãng hàng không Vietnam Airlines.
Nhờ đắt show quảng cáo, chỉ sau 2 năm vào Sài Gòn, đạo diễn Trần Được đã mua được nhà, mua được xe. Anh tự hào vì kiếm tiền bằng chính nghề diễn của mình và bằng chính mồ hôi lao động của mình.
Anh bày tỏ: "Mọi người bảo, sao diễn viên kêu nghèo mà tôi mua nhà, mua xe nhanh thế. Nhưng khó thì mình phải tìm cách vượt qua chứ không thể buông xuôi được. Thu nhập từ nghề diễn viên múa rối thua cả lương công nhân dù chức danh rất oai: đạo diễn – diễn viên... Nói ra thì không ai tin vì bạn bè nghĩ tôi là đại gia. Sự thật, lương của tôi chỉ có mấy triệu đồng".
Tìm được hạnh phúc sau hôn nhân tan vỡ
Trần Được kết hôn sau khi ra trường không lâu. Vợ anh là ca sĩ ở Nhà hát Quân đội. Gia đình anh được xem là "kiểu mẫu" lý tưởng và hạnh phúc khi vợ chồng đều làm cho cơ quan nhà nước và có cuộc sống sung túc, đủ đầy.
Nhưng biến cố bắt đầu đến khi anh quyết định học lên Thạc sĩ Nghệ thuật và đạo diễn đúng thời điểm vợ mới sinh con.
Anh học từ sáng đến chiều. Tối đi diễn. Khuya mới về. Thời gian dành cho gia đình gần như không có, trong khi kinh tế bị hao hụt nhiều. Phần vì anh ít đi diễn nên thu nhập hạn chế. Phần vì chuyên tâm học hành nên những công việc làm thêm bên ngoài cũng phải tiết chế.
Vợ anh mới sinh con, tâm lý "nhiễu động", vợ chồng không hiểu nhau, không thấu cảm cho nhau nên nảy sinh mâu thuẫn. Những mâu thuẫn nhỏ không được giải quyết cứ tích tụ tới khi chật ních trong ngôi nhà nhỏ, sự bực bội, sự ức chế bùng lên... đốt cháy tất cả yêu thương của gần chục năm họ có.
Sau cuộc hôn nhân đầu, hiện tại Trần Được đã tìm được người thật sự đồng cảm và thấu hiểu mình. Anh vô cùng hạnh phúc với hiện tại...
Cuộc hôn nhân tan vỡ trong sự dằn vặt của đôi bên. Trần Được rơi vào buồn bã, thất vọng. Lên cơ quan, ra ngoài đường gặp bạn bè, anh cũng nhận được ánh nhìn khác từ mọi người. Anh cảm thấy ngột ngạt và quyết định Nam tiến để làm lại sự nghiệp và làm lại cả cuộc sống riêng.
Thời gian này, anh tình cờ gặp lại cô bạn học năm nào ở trường sân khấu, bây giờ đã là một biên đạo múa. Cô ấy cũng vừa đi qua cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Sự đồng cảm, sự thấu hiểu đã đưa họ đến gần với nhau.
Được sự ủng hộ của gia đình, họ dự định sẽ làm đám cưới vào năm sau. Đó sẽ là một đám cưới nhỏ xinh, ấm cúng chứ không rình rang.
Trần Được tâm sự: "Chúng tôi đều đã trưởng thành nên không nặng nề chuyện cưới xin nhiều lắm. Gia đình hai bên cũng chỉ mong hai đứa sống hạnh phúc bên nhau. Những đổ vỡ trong hôn nhân đã qua cho chúng tôi kinh nghiệm quý giá để biết hoàn thiện mình hơn trong cuộc sống sau này".