Diễn viên tham gia phim Tìm xác, do đạo diễn Bùi Văn Hải thực hiện. Dịp này, chị nói về cuộc sống gia đình cùng công việc.
- Vai mới có nhiều cảnh hành động, chị vượt khó khăn về thể lực ra sao?
- Tôi vào vai bà Hồng, mẹ của nhân vật Tiến (Tiến Luật). So với các phim trước, tôi tốn công gấp ba, bốn lần, bởi nhân vật có nhiều cảnh đòi hỏi sức khỏe. Tôi phải tự thực hiện nhiều đoạn khó, như vừa cõng Tiến Luật vừa chạy, hoặc đứng trên tường cao nhảy xuống đất. Có cảnh, tôi đứng trên "núi" rác cheo leo, xung quanh là bầy chuột. Nhiều hôm, tôi mệt đến muốn ngất xỉu, tưởng không thể tiếp tục. Đạo diễn Bùi Văn Hải - xuất thân từ cascadeur - hướng dẫn tôi các thủ thuật khi diễn cảnh ngã để không bị đau, nhờ vậy không bị thương tích gì nhiều.
Tôi nhận lời tham gia vì thích kịch bản - một câu chuyện buồn nhưng giàu tính nhân văn. Do đó, tôi quyết tâm theo đuổi đến cùng, dù trước khi quay một tháng gặp biến cố sức khỏe, phải cấp cứu.

Nghệ sĩ Hồng Vân ở tuổi gần 60. Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Chị trải qua biến cố ấy như thế nào?
- Cuối năm ngoái, tôi liên tục sốt hơn 40 độ C, người rã rời như bị cảm dù không đau họng. Tôi được đưa đi cấp cứu ở một bệnh viện tại TP HCM trong tình trạng nhiễm trùng máu. Trong lúc xét nghiệm để tìm nguyên nhân, tôi nói với bác sĩ từng bị triệu chứng tương tự một lần năm 2018, khi sang Mỹ dự đám cưới con gái - Xí Ngầu. Bác sĩ chẩn đoán viêm cầu thận. Bệnh tình tôi tái phát một phần do chủ quan, suốt ngày ghi hình nhưng quên uống nước. Qua hai ngày "sinh tử", tôi mới hồi phục dần.
Thời gian bệnh, tôi phải từ chối bốn tác phẩm, trong đó có một phim điện ảnh quay ở Australia, và một phim truyền hình dài 12 tập. Tôi cũng phải bàn với đoàn Tìm xác để có giờ giấc phù hợp hơn, do phim chủ yếu ghi hình vào ban đêm.
- Chồng chị - diễn viên Lê Tuấn Anh - và người thân chăm sóc chị ra sao?
-Khi ấy, anh đang ở Mỹ vì phải trông nom cháu nhỏ phụ gia đình con gái. Hay tin, anh đòi về nước nhưng tôi thấy chưa cần thiết, một phần vì đã có hai con và người thân bên nội, tôi cũng đã qua giai đoạn nguy hiểm. Chồng luôn dặn dò tôi phải quan tâm đến sức khỏe. Nhiều lúc, anh giận luôn, không thèm nói nữa, bảo "Em tự suy nghĩ lại đi" (cười).

Hồng Vân bên chồng - diễn viên Lê Tuấn Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Chồng hỗ trợ chị trong công việc ra sao?
- Ngày trước, anh là chỗ dựa của tôi về tài chính lẫn tinh thần. Tôi vẫn thường nói nếu không có sự ủng hộ của anh, chắc tôi đã bỏ nghiệp sân khấu từ lâu. Một thời gian, doanh thu từ nhà hàng của chồng giúp nuôi sống các sàn diễn của tôi. Giờ, sân khấu bớt chật vật, tôi không đến mức phải bù lỗ nữa nên "tự lực cánh sinh".
Dù vậy, tiền vé chỉ đủ trả mặt bằng và cátxê diễn viên, còn tôi coi như làm không lương, lấy thù lao đóng phim để lấp vào. Trước đó, tôi phải đóng cửa hai sàn diễn là SuperBowl và Phú Nhuận. Những ngày nằm trên giường bệnh, tôi mới thấm nỗi vất vả. Tôi cứ trăn trở: Hay là đóng sân khấu vì khó gồng gánh tiếp.

Hồng Vân, Thanh Thủy (áo vàng) trong vở "Bông cánh cò" (năm 2023). Video: Mai Nhật
- Vì sao chị vẫn giữ sân khấu giữa bối cảnh khó khăn?
- Nhìn ánh mắt của học trò, tôi không nỡ. Các em yêu kịch lắm, xem tôi như người mẹ, chỉ trông chờ có tác phẩm để diễn. Nhiều diễn viên phải chạy xe ôm, làm thêm để có tiền đóng học phí. Lực lượng vẫn đông, nhưng chủ yếu là người trẻ. Các gương mặt nòng cốt như Hoàng Sơn, Trịnh Kim Chi, Kim Huyền chỉ diễn từng đợt nhất định, khó tham gia hàng tuần vì còn bận công việc riêng và gia đình.
Ngoài ra, tôi sợ việc đóng cửa tạo hiệu ứng domino, ảnh hưởng đến toàn bộ kịch TP HCM. Tôi thường nghe anh chị đồng nghiệp ở miền Bắc tâm sự rằng họ xúc động khi chứng kiến tình yêu kịch nói của khán giả TP HCM. Nhìn quanh, không chỉ mình tôi bám trụ. Nghệ sĩ Mỹ Uyên đang lèo lái Nhà hát 5B Võ Văn Tần, Đình Toàn, Đại Nghĩa đang cố hết sức với Idecaf, hay như anh Thành Lộc, Hữu Châu bên Thiên Đăng. Vấn đề hiện tại là phải thu hút lớp người xem mới, từ đó mở rộng phạm vi công chúng. Nếu không, chỉ tầm năm, bảy năm nữa, sân khấu sẽ cằn cỗi.
- Con trai chị - đạo diễn Khôi Nguyên - kế nghiệp mẹ ra sao?
- Khôi Nguyên hiện hỗ trợ tôi bên kịch, nhưng đam mê lớn nhất của con vẫn là điện ảnh. Tôi có thể giúp con về chuyên môn, nhưng để đầu tư một dự án cho con thì khó. Nhiều đồng nghiệp của tôi ủng hộ những nhà làm phim trẻ như Nguyên, nhà sản xuất Nhất Trung nói sẵn sàng góp vốn. Nhưng tôi từ chối, bởi lỡ phim thất bại, tôi không dám nhìn mặt họ.

Hồng Vân bên con trai 28 tuổi - đại diễn Khôi Nguyên. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tôi khuyên Khôi Nguyên cứ đi từng bước một, trước hết phải am hiểu thị trường phim Việt, tiếp cận khán giả, xem họ muốn gì. Tôi cho con tham gia các vai nhỏ, từ đó có thêm kinh nghiệm để chỉ đạo diễn xuất, rồi học thêm ở các vị trí trợ lý, phó đạo diễn với các tên tuổi kỳ cựu.
Năm nay, tôi tròn 40 năm vào nghề. Tháng 5 tới, tôi sẽ bước sang tuổi 60, đồng thời kỷ niệm 25 năm thương hiệu kịch Hồng Vân. Quá nhiều ý tưởng để làm, nhưng tôi lại chưa hoàn thành được gì, vì sức khỏe lẫn kinh tế chưa cho phép. Tôi đành tự nhủ: "Thôi, cứ tạm quên đi", dồn tiềm lực để ủng hộ con trai phát triển công việc.

Hồng Vân, Lê Khanh đóng trong "Gái già lắm chiêu 3". Video: Đoàn phim cung cấp
Hồng Vân, 59 tuổi, quê Bắc Ninh, vào nghề từ cuối thập niên 1980. Những năm 1990, chị cùng Hồng Đào, Thành Lộc, Ái Như thuộc thế hệ vàng của sân khấu TP HCM. Từ năm 2001, chị làm giám đốc Công ty Cổ phần Sân khấu Điện ảnh Vân Tuấn, thành lập các sàn diễn Phú Nhuận, SuperBowl. Năm 2012, Hồng Vân nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Chị tham gia nhiều phim điện ảnh lẫn truyền hình như Cô Ba Sài Gòn (2017), Gạo nếp gạo tẻ (2018), Gái già lắm chiêu (2020-2021), Cô dâu hào môn (2024). Nghệ sĩ kết hôn với diễn viên Lê Tuấn Anh năm 2003, có ba con, hai gái, một trai. Con trai Hồng Vân - Khôi Nguyên - tốt nghiệp ngành sản xuất phim tại Mỹ.
Mai Nhật