Viết tiếp câu chuyện hòa bình gây chú ý, được dùng làm nhạc nền cho các video ngắntrong Đại lễ 30/4, chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Dịp này, ca sĩ Duyên Quỳnh nói về cảm xúc khi có hit đầu tiên trong sự nghiệp.
- Chị thấy thế nào khi nhạc phẩm của mình được đón nhận?
- Tôi hạnh phúc và tự hào khi bài hát lan tỏa mạnh mẽ, trở thành một trong những tác phẩm được yêu thích nhất dịp 50 năm thống nhất đất nước.
Ngay khi nhận demo từ nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, tôi đã xúc động và "nổi da gà" với từng câu chữ. Phầnđiệp khúc bắt tai, dễ hát. Ca từ khắc họa rõ nét hình ảnh người chiến sĩ hy sinh cả tuổi xuân để gìn giữ đất nước trong chiến tranh lẫn thời bình. Bài hát còn là lời kêu gọi tinh thần yêu quê hương trong mỗi người dân. Ca khúc và album cùng tên là món quà tôi gửi tặng đến bố và các đồng đội của ông. Bố tôi là cựu chiến binh, từng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Sau khi đất nước thống nhất, ông trở về làm nông.

Ca khúc "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" do Duyên Quỳnh thể hiện. Video: Nhân vật cung cấp
- Chị có kỷ niệm gì khi thu âm?
- Tôi nghĩ đến câu chuyện bố kể về những ngày tháng vất vả chiến đấu trong quân ngũ và kỷ niệm của tôi khi đến thăm, giao lưu với các chiến sĩ trong chuyến đi biển đảo Tây Nam tháng 9/2024. Tôi thấy những người lính tập luyện vất vả, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nhưng luôn lạc quan, một lòng hướng về Tổ quốc. Những hình ảnh ấy đã nuôi trong tôi nhiều cảm xúc về lòng biết ơn. Tôi xúc động khi thu âm và hát lại khoảng bốn lần mới hoàn chỉnh bản ghi.
Đối với tôi đây là một "big hit" trong sự nghiệp ca hát. Tôi nghĩ trong tương lai mình khó có được ca khúc nào khác mang năng lượng cộng đồng lớn như vậy. Thành công của bản nhạc giúp tôi được khán giả biết đến nhiều hơn. Lịch diễn cũng dày hơn, từ đó tôi có thêm động lực để cho ra đời nhiều sản phẩm cùng chủ đề.
- Chị là người hát đầu tiên nhưng ở Đại lễ, ca khúc lại do Võ Hạ Trâm thể hiện, khiến khán giả đặt lên bàn cân so sánh. Chị nói sao về điều này?
- Tôi tôn trọng ban tổ chức khi chọn Võ Hạ Trâm và Đông Hùng thể hiện. Thời điểm cả nước hướng về lễ kỷ niệm, ai hát lên cũng đều hay, lan tỏa tình yêu quê hương. Không chỉ Đại lễ mà trong chuỗi sự kiện của tháng 4, tôi và nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng đồng ý để rất nhiều chương trình truyền hình trực tiếp sử dụng sáng tác này cho các ca sĩ.
Dù có sự so sánh cách hát của tôi và Võ Hạ Trâm, chúng tôi không quá để ý, vẫn trò chuyện, động viên nhau. Bản phối, chất giọng, không gian trình diễn khác nhau thì chắc chắn cách thể hiện và cảm xúc sẽ có điểm riêng biệt. Mỗi phiên bản đều có những tệp khán giả yêu mến.
Tôi và Võ Hạ Trâm là bạn học cùng lớp tại Nhạc viện TP HCM. Từ đó đến giờ cả hai vẫn luôn theo dõi và ủng hộ nhautrongcuộc sống cũng như công việc. Võ Hạ Trâm vào làng nhạc trước và làm nghề có tâm nên tôi vẫn luôn dành một sự ngưỡng mộ nhất định cho cô ấy. Bài hát dành tặng cho con đầu lòng của Trâm là do tôi viết và ngày họp báo ra mắt sản phẩm của đồng nghiệp, tôi cũng đến chúc mừng.
- Chị từng trải qua những thăng trầm thế nào khi theo đuổi âm nhạc?
- Tôi sinh ra trong gia đình không mấy khá giả. Từ nhỏ tôi bộc lộ năng khiếu ca hát, được mẹ ủng hộ theo đuổi nghệ thuật. Tôi nuôi dưỡng ước mơ làm ca sĩ, thi đậu vào khoa Thanh nhạc của Nhạc viện TP HCM. Hàng tháng, tôi được mẹ chu cấp một khoản tiền nhỏ để trang trải chi phí học tập. Dù vậy, tôi cũng phải làm nhiều công việc để bám trụ lại thành phố như phát tờ rơi, diễn quần chúng, hát đám cưới.
Sau khi tốt nghiệp năm 2015, tôi tham gia nhóm bè Cadillac trước khi ra mắt với vai trò ca sĩ chuyên nghiệp. Có giai đoạn, tôi nghĩ đến việc bỏ nghề vì không đảm bảo kinh tế và nhận ra giọng hát còn nhiều thiếu sót. Tôi không có chất giọng đặc biệt, xuất phát điểm là quãng hẹp, không rung được. Thời gian đầu, tôi loay hoay và vất vả trong việc định hình cách hát. Có thể Tổ nghề thương nên cho tôi gặp được quý nhân, tư vấn đường hướng. Tôi nghĩ khi kinh tế bị giới hạn thì cách duy nhất để phát triển chính là chăm chỉ hoạt động và bền bỉkhắc phục, hoàn thiện năng lực bản thân.
- Cuộc sống hiện tại của chị ra sao?
- Sau 10 năm cố gắng, tôi có được một căn hộ nhỏ để có chốn đi về. Sau khi mẹ qua đời vì bạo bệnh năm 2017, tôi và bố cũng dành thời gian cho nhau nhiều hơn. Hiện tại, bố là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất của tôi. Mỗi khi gặp áp lực trong công việc, tôi thường tranh thủ về nhà hoặc gọi điện để trò chuyện vui vẻ với gia đình, có thêmnăng lượng bước tiếp.
Tôi đã ổn định mọi mặt và đang một mình, chỉ còn chờ được gặp "hoàng tử" trong mơ để xây dựng tổ ấm nhỏ cho riêng mình.

Ca sĩ Duyên Quỳnh đắt show hơn nhờ ca khúc "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" được yêu thích trong dịp 30/4. Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Chị có định hướng gì trong hoạt động âm nhạc sắp tới?
- Tôi đi theo hướng nghệ sĩ đa năng, sẽ nghiêng về hát những sáng tác có chủ đề tình yêu quê hương đất nước, gia đình, cuộc sống, thiên nhiên. Tôi mong muốn tạo một cột mốc mới cho âm nhạc của mình với việc truyền cảm hứng hơn là mang giá trị giải trí. Tôi tin năng lượng sống lạc quan sẽ giúp tôi có được những điều tốt đẹp trong công việc.
Nguyễn Duyên Quỳnh 25 tuổi, quê Đăk Lăk. Ca sĩ tốt nghiệp khoa Thanh nhạc, Nhạc viện TP HCM năm 2015. Sau khi ra trường, cô làm việc cho Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP HCM (HBSO). Đầu năm 2019, ca sĩ thi Ban nhạc quyền năng và đoạt giải á quân. Cùng năm, Duyên Quỳnh đoạt giải quán quân Người kể chuyện tình mùa ba. Sau cuộc thi, bên cạnh đi hát, ca sĩ còn lồng tiếng cho các phim, sáng tác nhạc.
Hoàng Dung