BTV Đức Đệ và các đồng nghiệp giành chiến thắng ở hạng mục phim Tài liệu Bốn mùa trong rừng thẳm và Hình ảnh lan toả Bình yêu con nhé trong lễ trao giải Ấn tượng VTV - VTV Awards 2022 diễn ra đầu tháng 1/2023. Ngoài ra, anh còn tham gia thực hiện phóng sự lọt top 3 đề cử Phóng sự Thời sự ấn tượng "Bắt tay" phá rừng. Là người rất tâm huyết với các chủ đề thời sự nhức nhối nhưng lại có trái tim nhạy cảm với tình người, tình đời, BTV Đức Đệ luôn phát hiện được nhiều điều mới mẻ, đắt giá để gây ấn tượng sâu sắc với người xem qua từng tác phẩm.

Sau khi nhận giải, BTV Đức Đệ xúc động chia sẻ, trái tim anh như nghẹn lại vì sự ghi nhận, đánh giá công tâm của Hội đồng chuyên môn cho những tác phẩm truyền hình trong năm qua trên sóng VTV. Hình ảnh trong phóng sự Bình yên con nhé đã được trao giải Hình ảnh lan toả cũng là những kỉ niệm khó quên của anh trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở TP. Hồ Chí Minh. Thời điểm đó, anh chịu không ít tác động của bệnh dịch như sức khoẻ giảm sút, phải xa gia đình… nhưng vượt lên trên tất cả là cái tâm của người làm báo để cập nhật thông tin kịp thời cho khán giả. Chọn cách nhìn luôn hướng đến điều tích cực từ trong thực tại không ít thử thách là phong cách thường thấy trong các tác phẩm truyền hình của BTV Đức Đệ cùng các đồng nghiệp.

32378322412098088798893354942091739266700974n-16750542070611393057425.jpg

Ở phim tài liệu Bốn mùa trong rừng thẳm, BTV Đức Đệ chịu trách nhiệm đạo diễn, biên kịch và cả kỹ thuật hậu kỳ. Việc tham gia vào rất nhiều khâu sản xuất một bộ phim cho thấy tâm huyết của anh với bộ phim tài liệu này. Anh đã theo đuổi đề tài làm phim trong bao lâu?

Tôi và ekip đã có 2 năm theo nhân vật là ông lão 80 tuổi trong khu rừng mà ông được giao khoán bảo vệ trong những năm 90 của thế kỷ trước. Khu rừng có thể nói là đẹp, hiếm hoi trong thời điểm hiện nay. Ông lão hài hước nhưng luôn kiên định với câu chuyện bảo vệ rừng, giữ màu xanh cho cánh rừng của mình. Và đó là lý do tôi nghĩ đến ý tưởng phim qua bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Bốn mùa trong năm cũng như bốn khoảng thời gian quan trọng của một đời người. Ông lão 80 tuổi vẫn cần mẫn với công việc của mình. Ông mải miết truyền lửa để những người trẻ hiểu và yêu quý khu rừng, để mùa xuân tiếp nối. Chúng tôi muốn truyền tải thông điệp rằng, câu chuyện giữ rừng không chỉ là khẩu hiệu mà còn là hành động xuất phát từ trái tim.

Kỷ niệm đáng nhớ với anh trong quá trình ghi hình là gì?

Kỷ niệm làm phim thì có nhiều. Nhưng có lẽ thứ mà tôi khó có thể quên đó là ông lão luôn nhanh nhẹn, hoạt bát. Ông lão 80 tuổi nhưng đi khắp khu rừng, chỉ cho chúng tôi từng cây thông hàng trăm năm tuổi mà ông đã giữ gìn, bảo vệ. Những người trẻ như chúng tôi cũng không thể theo kịp ông. Ông lão có thể bầu bạn, nói chuyện với động vật và yêu quý những thứ thuộc về thiên nhiên. Tôi nghĩ, trái tim ông đã dành cho rừng. Ông lão đã gắn bó cả đời với rừng và đời cây, đời người là cách kể liên kết và phù hợp nhất là bốn mùa của đời cây, của cả đời người ông lão đang có sự tiếp nối, khi có nhiều bạn trẻ vì mến mộ ông mà tìm đến rừng, cùng ông chăm sóc, bảo vệ khu rừng. Tôi thấy mùa xuân như đang được tiếp nối.

25167156164483763485696428649936430356425782n-16728011656591242119141-16750545981541718597589.jpg

Nhà báo - đạo diễn Nguyễn Đức Đệ cùng ê-kíp và nhân vật của phim "Bốn mùa trong rừng thẳm".

Trong phim tài liệu, anh đã chia bố cục câu chuyện thành Xuân, Hạ, Thu, Đông; dùng cách kể chuyện mới, hợp với thị hiếu của khán giả hiện nay như không lời bình, chú trọng hình ảnh, âm thanh, phụ đề của phần phát biểu của nhân vật. Việc triển khai cách kể này đã nhận được phản hồi của lãnh đạo duyệt và khán giả như thế nào?

Phim phát sóng nhận được sự đồng cảm của đông đảo khán giả. Bạn bè, đồng nghiệp và lãnh đạo cơ quan thích thú và đánh giá cao cách kể chuyện có tính thông điệp này. Chúng tôi cảm thấy may mắn khi đã thành công trong cách kể và được đón nhận. Tôi nghĩ, cách kể chuyện luôn là yếu tố cần thiết. Khi bạn có cách kể chuyện phù hợp, câu chuyện của bạn sẽ được nhớ đến.

Chúng tôi đã mất nhiều thời gian để triển khai phim, trong quá trình đó đã ghi lại được những hình ảnh xương sống của câu chuyện như thể loại điện ảnh hiện thực từ cuộc sống nhằm đem lại cảm xúc cho người xem.

243842397623152579692136652399726059616075n-16728004806991197774972-16750547250831303641660.jpg

Có điểm liên kết là một phóng sự phản ánh những nhức nhối của nạn phá rừng, nhưng phim tài liệu lại là nhân vật đang nỗ lực trồng rừng, bảo vệ rừng. Những chuyến đi rừng đặc biệt của anh có ấp ủ nhiều đề tài hấp dẫn khác trong thời gian tới không?

Giống như hai mặt của thực tại. Nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng đang diễn ra ở nhiều nơi. Tại tỉnh Lâm Đồng, có cả những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng tiếp tay cho phá rừng vì lợi ích cá nhân. Tôi và ekip đã thực hiện loạt phóng sự điều tra để cho thấy thực trạng nhức nhối này. Nhưng cũng muốn kể những câu chuyện về những con người yêu rừng như máu thịt. Hy vọng, đó sẽ là mảng màu sáng trong bức tranh chung về rừng, về thiên nhiên để khán giả có thể nhìn vào, để những ai có ý định xâm hại rừng nhìn vào đó mà soi xét lại bản thân.

Tôi luôn nghĩ, người Việt thật may mắn khi sống ở một đất nước giàu tài nguyên thiên nhiên với rừng vàng, biển bạc. Nhưng nếu chúng ta không ra sức bảo vệ, đến một ngày đó, con em chúng ta sẽ nhận lấy hậu quả do nạn tàn phá, khai thác theo lối tận diệt tài nguyên rừng và biển. Tôi cũng có nhiều ấp ủ trong thời gian tới cho mảng đề tài này với hy vọng gióng lên những tiếng nói, lan toả những thông điệp ý nghĩa để có thêm nhiều người yêu quý và bảo vệ thiên nhiên như bảo vệ chính ngôi nhà của mình.

Cám ơn anh đã chia sẻ!

Bốn mùa trong rừng thẳm kể câu chuyện ông lão 80 tuổi Nguyễn Đức Phúc đã có 40 năm giữ rừng nguyên sinh dưới chân núi Voi (TP Đà Lạt). Đoàn phim đã chọn ông như nhân vật truyền cảm hứng để nói thay cho những người đã dành cả cuộc đời mình cho cánh rừng đại ngàn và vẫn đang ngày đêm gìn giữ lá phổi xanh của Đà Lạt.

Phim tài liệu: Bốn mùa trong rừng thẳm

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022